Trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, chống xâm nhập mặn và vận động nhân dân tích cực trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong các tháng mùa khô được dự báo diễn ra khốc liệt thời gian tới.
Chủ động ứng phó
Để chủ động ứng phó xâm nhập mặn, đến thời điểm hiện nay, tỉnh Bến Tre đã khẩn trương triển khai và cơ bản hoàn thành các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của người dân các khu vực bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, mùa hạn mặn năm nay, tỉnh chủ động triển khai các giải pháp ứng phó như: phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt và thực hiện các giải pháp công trình ngăn mặn. Đến nay, các cống ngăn mặn như: Trung Nhuận, Xẻo Rắn, cống Cây Da và cống Trục kênh 418 đã được thi công hoàn thành nên tỉnh có thể khép kín, bảo vệ được cánh đồng 12.000 ha ở huyện Giồng Trôm và một phần của huyện Ba Tri.
Ngoài ra, một số cống ngăn mặn ở An Hiệp, Sơn Đông thuộc thành phố Bến Tre đã thi công xong và sẵn sàng khép kín khi hạn mặn đến. Tỉnh cũng sẵn sàng đắp đập tạm sông Ba Lai để trữ nguồn nước sông Ba Lai và đảm bảo nguồn nước sông Sơn Đông và An Hiệp khi mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do hạn mặn vừa qua, người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bến Tre luôn trong tâm thế sẵn sàng, với những phương án ứng phó sớm trước xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021; trong đó, việc đào ao trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, tích trữ nước mưa, nước ngọt bằng các dụng cụ dùng cho sinh hoạt là những giải pháp được người dân ưu tiên lựa chọn.
Ông Đặng Văn Mi, xã Long Thới, huyện Chợ Lách cho hay, hiện các hộ sản xuất cây giống ở địa phương đang tích cực đào ao, dùng bạt công nghiệp trải dưới đáy ao để chứa nước ngọt. Với cách làm này, những cơ sở sản xuất cây giống nhỏ cũng trữ được khoảng 200- 300m3 nước ngọt. Các cơ sở sản xuất lớn trữ được từ 700-1.000 m3 nước ngọt phục vụ sản xuất trong các tháng mùa khô.
Ông Đặng Văn Mi chia sẻ, việc chủ động trữ nước ngọt có rất nhiều lợi ích cho người dân.Trước nhất, trữ được nguồn nước ngọt được bơm từ sông trước khi nước mặn chưa về, đồng thời người sản xuất tiết kiệm được chi phí khi không phải mua nước trong thời điểm xâm nhập mặn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức, năm nay người dân trong tỉnh có những động thái chuẩn bị ứng phó hạn mặn rất tốt. Cụ thể, tại những vùng sản xuất cây ăn trái, ngoài việc mua những túi trữ nước như những năm trước, người dân còn làm các hồ chứa nước để chủ động trong sản xuất cây giống cũng như một số cây đặc sản khác.
Thêm vào đó, tại một số vùng, người dân cũng đã có sự chuyển đổi trong cơ cấu giống, mùa vụ. Điển hình như tại huyện Ba Tri, những vùng trồng lúa bấp bênh, tỉnh kiên quyết và người dân cũng rất đồng thuận trong việc chuyển từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa hoặc từ 2 vụ lúa thành 1 vụ lúa kết hợp với nuôi tôm. Đáng chú ý, một số vùng trồng cây giống, bên cạnh việc đào ao trữ nước, người dân còn được ngành chuyên môn hướng dẫn dịch chuyển mùa vụ thu hoạch, tạo hoa, tạo quả phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn bất khả kháng xảy ra.
Khép kín hệ thống thủy lợi
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nhấn mạnh, để ứng phó với hạn mặn, tỉnh đã phát động trong dân trữ nước mưa, nước ngọt trong các điều kiện, phương tiện có thể kể cả dùng các dụng cụ chứa nước như hồ, lu, mái và trong mương vườn…, phục vụ cho sinh hoạt gia đình và một phần để chăn nuôi, sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết thêm, năm 2021, tỉnh sẽ triển khai khởi công một số gói thầu các dự án ngăn mặn, trữ ngọt ở các sông lớn thuộc dự án thủy lợi Nam Bến Tre, Bắc Bến Tre, gồm An Hóa, Thửu Cửu và một số công trình lớn khác, nhằm từng bước khép kín hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh vào năm 2023 theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tỉnh sẽ chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức, quan điểm của tỉnh xem mặn là diễn biến xảy ra thường xuyên chứ không phải ngắn hạn và cục bộ như trước. Chính vì vậy, phải có tư thế chuẩn bị “sống chung” với hạn mặn và các các giải pháp ứng phó hiệu quả. Ở mùa khô năm nay, trước hết, tỉnh ưu tiên các giải pháp công trình, sớm hoàn thành các công trình kiểm soát mặn để đảm bảo những khu vực sản xuất ổn định. Ví dụ, những vùng canh tác sản xuất trong điều kiện được ngọt hóa với những vùng biển dùng nước mặn để canh canh tác thủy sản, cần được tách bạch rõ ràng để kiểm soát mặn được thực hiện tốt hơn.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để cả cộng đồng và hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm đảm bảo việc phòng, chống hạn mặn mang tính đồng bộ và quy tụ được sức mạnh của toàn xã hội.
Về lâu dài, để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước vào mùa khô, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống, ứng phó hạn mặn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tích cực, chủ động trong công tác chuẩn bị phòng chống xâm nhập mặn, thực hiện có hiệu quả đồng thời hai giải pháp phi công trình và công trình.
Tỉnh Bến Tre bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, từng địa phương và chống chịu được với tình hình hạn mặn diễn biến ngày càng gay gắt. Tỉnh từng bước xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng cao, hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất nông nghiệp, các biện pháp tưới tiết kiệm nước.
Về giải pháp công trình, giai đoạn 2019-2023, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Bến Tre đầu tư hơn 8.413 tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Điền cho hay, năm 2020, dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 hoàn thành đưa vào sử dụng 29 cống hở, 16 cống hộp; một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và Thành phố Bến Tre.
Đến năm 2021, dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn I dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng cống Kênh Cũ, thành phố Bến Tre và tuyến đê bao ven sông Hàm Luông từ cống Cái Mít đến cống Cầu Kinh thuộc huyện Giồng Trôm. Riêng dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 11 cống.
Giai đoạn 2022-2023, dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3) dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng các cống Tân Phú, Bến Rớ, An Hóa huyện Châu Thành, cống Bến Tre thành phố Bến Tre, cống Thủ Cửu huyện Giồng Trôm, cống Cái Quao và Vàm Thơm huyện Mỏ Cày Nam và cống Vàm Nước Trong huyện Mỏ Cày Bắc….
Theo UBND tỉnh Bến Tre, thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương, ODA, nhiều dự án, công trình thủy lợi trọng điểm đã được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động ngăn mặn, trữ ngọt. Các công trình được đầu tư đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đầu tư khép kín. Do đó, hàng năm thường bị nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, đặc biệt là mùa khô 2015-2016 và 2019-2020, nước mặn bao phủ toàn địa bàn tỉnh thời gian dài từ 4-6 tháng, gây thiếu nước ngọt trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.