Nổi bật là nội dung chất vấn của ông Đặng Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, về chính sách hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng do hạn mặn năm 2019 - 2020.
Theo ông Đặng Ngọc Anh, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến, kiến nghị phản ánh bức xúc về việc UBND tỉnh có thực hiện chính sách hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn bị thiệt hại do hạn mặn mùa khô năm 2019 - 2020 hay không? Theo người dân, sau hạn mặn, các ngành chức năng đã khảo sát, thống kê cây trồng, lập danh sách hỗ trợ, nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được các khoản hỗ trợ và đang mong đợi khoản tiền đó để giảm bớt khó khăn, phục hồi sản xuất.
Ngoài ra, người dân cũng kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ người trồng dừa vì trong đợt hạn mặn, cây dừa chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng, năng suất, chất lượng trái giảm sút, ảnh hưởng đến thu nhập.
Trước những băn khoăn, thắc mắc của người dân về việc tỉnh chậm hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi hạn mặn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn khẳng định: Tất cả các trường hợp bị thiệt hại do thiên tai (hạn mặn mùa khô năm 2019 - 2020) nếu đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Theo đó, các đối tượng là hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối, bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh.
Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện: Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương; có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch; thiệt hại xảy ra khi thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương; thời điểm xảy ra thiên tai được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận.
Ông Nguyễn Trúc Sơn cũng cho biết thêm, ngày 20/11, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 cho các huyện, thành phố gần ,5 tỷ đồng, nguồn kinh phí đã được phân bổ về các địa phương; ngành chức năng địa phương đang thực hiện thủ tục để hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
Các loại hình sản xuất không theo quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ không đủ điều kiện để được hỗ trợ khôi phục sản xuất theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP.
Trong đợt hạn mặn vừa qua, người trồng dừa gặp nhiều khó khăn do năng suất, chất lượng quả bị giảm. Song người trồng dừa bị thiệt hại theo đúng quy định hiện hành thì không đủ điều kiện để được hỗ trợ khôi phục sản xuất sau hạn mặn (Nghị định số 02/2017/NĐ-CP). Tuy nhiên, để chia sẻ với những khó khăn của người trồng dừa, UBND tỉnh đã báo cáo và xin chủ trương Thường trực Tỉnh ủy có giải pháp khác để hỗ trợ người dân chăm sóc, khôi phục vườn dừa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương phối hợp với các ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ để đề xuất với HĐND tỉnh, nếu được HĐND tỉnh thống nhất thì UBND tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ trình HĐND tỉnh ban hành vào đầu năm 2021. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện, UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ phân bón, công chăm sóc, khôi phục vườn dừa sau hạn mặn.
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cũng cho rằng, Tỉnh ủy rất quan tâm tới việc hỗ trợ người dân sau hạn mặn, nhất là với những người trồng dừa, bởi sau hạn mặn, cây dừa bị ảnh hưởng khoảng 30-70%. UBND tỉnh Bến Tre đưa ra 2 phương án hỗ trợ người trồng dừa. Theo đó, phương án 1 kiến nghị Chính phủ hỗ trợ Bến Tre 72 tỷ đồng để hỗ trợ người trồng dừa; phương án 2, nếu Chính phủ không có hỗ trợ thì UBND sẽ ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù người trồng dừa.
Theo ông Trần Ngọc Tam, năm 2020, ngoài tác động của dịch COVID-19, hạn mặn cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre. Trong năm, Bến Tre chỉ đạt 14/23 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh.