Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định, tình hình lũ khó lường làm cho khả năng trở mặn trong năm nay có thể diễn ra sớm vậy nên cần phải đẩy sớm thời vụ, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển. Thứ Trưởng khuyến nghị, để đối phó với tình hình hạn mặn cần chú ý về vấn đề trữ nước, bên cạnh đó, người nông dân cần sử dụng một các giống lúa chất lượng, chịu được hạn mặn và có thời gian sinh trưởng ngắn để giảm rủi ro.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh lũ nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức 2,4 - 2,75m và dưới mức báo động 1 (3,5m). Tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mekong về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt giảm từ 10 - 30% so với trung bình nhiều năm, vậy nên trong các tháng đầu mùa khô khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ đến sớm, cao hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, nhưng thấp hơn mùa khô 2019 - 2020.
Trong cuối tháng 10, đầu tháng 11 và 12 sẽ có lượng mưa tăng, các tỉnh trong khu vực cần lưu ý việc tận dụng thời điểm để tích trữ nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Lương Văn Anh đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục Thủy lợi tại các địa phương tham mưu cho chính quyền triển khai các kế hoạch phòng, chống hạn mặn về các vấn đề tích trữ nước, xây dựng các đập tạm, hướng dẫn cho người dân tích trữ nước sử dụng cho sinh hoạt, có sự chủ động trong các vấn đề như kéo thêm đường ống hoặc khoan thêm giếng
Cùng đó, xây dựng kế hoạch đảm bảo sản xuất nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trái cây, thủy sản, giảm diện tích trồng lúa, hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và chỉ đạo của chính quyền địa phương, chỉ gieo trồng ở những vùng đảm bảo nguồn nước tưới để tránh thiệt hại.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Tùng cho biết, vụ Đông Xuân 2020 - 2021, tại 8 tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến xuống giống lúa đạt 1.550.000 ha, hiện đã xuống giống được 937.000 ha, chiếm 60% diện tích toàn vùng. Nếu tình hình khô hạn xảy ra như Đông Xuân 2015-2016, khoảng 5.000 ha/937.000 ha sẽ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Cục Trồng trọt khuyến nghị việc xuống giống sớm trong tháng 10 vì dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa Đông Xuân 2020 - 2021 có thể sẽ gặp nhiều khó khăn gần giống như Đông Xuân 2015-2016, nhưng nhẹ hơn so với Đông Xuân 2019-2020.
Việc xuống giống sớm trong tháng 10 tuy thường cho năng xuất không cao nhưng sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là các tỉnh ven biển, những vùng có nhiều khả năng bị thiệt hại do hạn mặn. Đây là lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay.
Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 dự kiến có thể xảy ra một trong 2 kịch bản.
Thứ nhất, mưa trên lưu vực sông Mekong xuất hiện như dự báo của một số tổ chức khi tượng quốc tế (các tháng cuối năm lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm). Khả năng xảy ra xâm nhập mặn vẫn ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức độ nghiêm trọng, một số thời điểm tương đương năm 2015 - 2016.
Kịch bản thứ 2 có khả năng diễn ra hơn, mưa trên lưu vực sông Mekong tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa đến nay, khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, có thể tương đương năm 2019 - 2020.