Vào cao điểm mùa khô, gia đình ông Nguyễn Văn Khương, xã Bình Nghi phải chi 1 triệu đồng/tháng để mua nước tinh khiết đóng chai về uống bởi giếng khoan bị cạn và nhiễm phèn, chỉ đủ dùng để tắm, giặt.
Gia đình ông Văn Ngọc Thảo đã khoan giếng với độ sâu đến 150m nhưng vẫn không tìm được nguồn nước mạch. Ông đành phải xây bể chứa và mua từng mét khối nước sạch về trữ để dùng trong sinh hoạt. Ông Ngọc chia sẻ: “Gia đình tôi cùng nhiều hộ khác phải bỏ ra từ 50 - 60 triệu đồng để khoan giếng nhưng... công cốc. Nhà máy nước sạch lại “đắp chiếu”. Mong sao các cấp chính quyền sớm đưa nhà máy vào hoạt động để giải “cơn khát” nước sạch cho người dân".
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn thông tin, nguyên nhân khiến nhà máy chậm tiến độ là do quá trình thi công đúng vào thời gian COVID-19 xảy ra, kéo dài. Hơn nữa, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án không sát với thực tế nên phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Địa phương gặp khó trong việc bố trí mỏ đất cấp phối cho dự án. Huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý cấp và thoát nước của huyện làm việc trực tiếp với các hộ dân trong vùng ảnh hưởng để sớm vận hành nhà máy, đấu nối đường ống dẫn nước đến từng nhà, chậm nhất sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Dự án xây dựng Hệ thống cấp nước sinh hoạt cho xã Bình Nghi do UBND huyện Tây Sơn làm chủ đầu tư với tổng vốn 35 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2017 - 2021. Công trình có trạm xử lý nước công suất 2.500 m3/ngày đêm cung cấp nước sạch cho hơn 4.000 hộ dân. Đến nay, công trình đã được nghiệm thu, bàn giao nhưng vẫn chưa đưa vào hoạt động. Trước nhu cầu cấp thiết, HĐND huyện Tây Sơn đã phê duyệt chủ trương đầu tư thêm khoảng 5 tỷ đồng cho dự án để xây dựng các tuyến ống nhánh cấp nước cho nhiều hộ dân hơn.