Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, vị trí sạt lở đất là một khu đồi cao đang được người dân trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, điều, mít... tại khu vực ngã ba ông Tám, thuộc thôn 9, xã Thống Nhất. Hàng ngàn mét vuông diện tích đồi đã bị nứt toác và sạt lở, trượt lún xuống tuyến đường nối thôn 9 và thôn 10, xã Thống Nhất.
Ông Mai Ngọc Lương - Bí thư Chi bộ thôn 9, xã Thống Nhất cho biết, hiện tượng sạt lở đất tại khu vực trên xảy ra từ ngày 13/8 đến nay. Ông Lương sinh sống ở đây hàng chục năm nay, nhưng chưa bao giờ thấy cảnh sạt lở đất tại khu vực này. Hàng ngàn mét vuông diện tích đồi nứt toác, một phần trượt xuống đường; tuyến giao thông liên xã Thống Nhất – Bù Đăng bị chia cắt khiến hàng trăm hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Tại hiện trường, sạt lở không chỉ khiến phần taluy dương từ đồi cao trượt xuống mà nền đường nhựa cũng bị sụt lún, xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt đường.
Theo Ủy ban nhân dân xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, sự cố sạt lở đất tại khu vực thôn 9 không gây thiệt hại về người song làm ảnh hưởng đến giao thương đi lại và vận chuyển nông sản của của khoảng 300 hộ dân sinh sống trong vùng và khoảng 200 công nhân Nông trường cao su Thống Nhất. Tại vị trí đường giao thông bị sụt lún phía taluy dương có khoảng 2.000 m2 đất bị nứt toác và trượt lún, có nguy cơ sạt hoàn toàn xuống đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Trước tình trạng trên, chính quyền xã Thống Nhất đã tổ chức lực lượng trực, đặt biển báo và rào chắn hai đầu tuyến đường dẫn vào vị trí sạt lở, hướng dẫn người dân không qua khu vực để đảm bảo an toàn.
Sau khi xảy ra sự cố sạt lở đất, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước đã đến hiện trường để khảo sát, đề xuất phương án khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông qua khu vực.