Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký ban hành Công văn số 3112 ngày 5/8 về một số biện pháp thực hiện phòng, chống dịch COVID -19 trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc việc bố trí không quá 1/3 tổng số người lao động làm việc tại công sở để đảm bảo duy trì công việc; ngoại trừ lực lượng vũ trang và ngành Y tế đảm bảo 100% quân số. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm việc đeo thẻ công chức, viên chức, thẻ ngành và mặc đồng phục của ngành khi di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc và ngược lại để lực lượng thực thi phòng, chống dịch COVID -19 nhận diện, kiểm tra, xác minh. Trường hợp chưa được cấp thẻ, cơ quan, đơn vị nơi công tác có trách nhiệm cấp Giấy đi đường để công chức, viên chức xuất trình tại các điểm kiểm tra.
Các cơ quan, đơn vị triển khai cho viên chức, công chức viết Bản cam kết thực hiện đầy đủ biện pháp "5K", cài đặt và sử dụng các ứng dụng khai báo y tế điện tử để quét mã QR Code khi qua các điểm kiểm soát phòng, chống dịch và thực hiện việc khai báo y tế hằng ngày theo quy định; thực hiện đúng lịch trình di chuyển giữa nơi lưu trú và nơi làm việc, không đến các khu vực có liên quan đến bệnh nhân COVID-19 hoặc khu cách ly, phong tỏa. Việc viết cam kết và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu, là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức trong năm 2021... Các trường hợp không đeo thẻ, không xuất trình giấy đi đường, không mặc đồng phục ngành, sử dụng các loại giấy tờ không đúng mục đích, không đúng đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính như các trường hợp ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết.
Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, trong ngày 4/8, thành phố phát hiện thêm 83 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm từ ngày 8/7 đến 17 giờ ngày 4/8 là 1.831 ca.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, UBND thành phố Cần Thơ và các quận, huyện có nhiều quy định chặt chẽ nhằm hạn chế người dân ra đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường lập các chốt và tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm Chỉ thị 16. Các cơ quan chức năng đã xử phạt 5.499 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt gần 12 tỷ đồng.
* Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Bệnh viện Y học cổ truyền chuyển công năng thành Bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.
Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Tháp Huỳnh Kim Lâm thông tin, bệnh viện có quy mô 300 - 350 giường. Bệnh viện đã chuẩn bị kế hoạch chuyển đổi công năng thành Bệnh viện dã chiến từ 250 - 300 giường để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Để ứng phó với tình huống có trên 3.000 ca mắc COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn sắp xếp để tham gia vào công tác tiếp nhận, thu dung bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện Y học cổ truyền được phân tầng điều trị cho các ca mắc có triệu chứng cần theo dõi. Trước mắt đến 7/8, đơn vị phải nhanh chóng phân loại, sau đó "giải phóng" toàn bộ 70 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, không xây dựng thành mô hình “bệnh viện tách đôi”. Tuy nhiên, trước khi di chuyển bệnh nhân, cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho bệnh nhân đủ điều kiện sức khỏe…
Ông Lê Quốc Phong chỉ đạo ngành Y tế cần bổ sung các trang thiết bị y tế để đảm bảo công năng khi chuyển đổi; sớm tập huấn cho đội ngũ y, bác sỹ phác đồ điều trị để tích cực chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, hạn chế chuyển bệnh nhân lên các tuyến trên, qua đó giảm tỷ lệ tử vong. Mặt khác, đơn vị cần tập huấn chuyên môn để đủ sức, kịp thời xử lý các tình huống.
* Ngày 5/8, sau khi ghi nhận 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 về từ TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã chỉ đạo, từ 12 giờ ngày 6/8/2021, tỉnh không tiếp nhận công dân từ vùng dịch trở về địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, quyết định này tại thời điểm này là cần thiết để kiểm soát nguy cơ dịch xâm nhập vào tỉnh. Quyết định này nhằm thực hiện đúng chỉ đạo tại Chỉ thị 16 và Công điện số 1063 của Thủ tướng Chính phủ, với quan điểm "ai ở đâu, ở yên đó"; nhằm bảo đảm an toàn cho người dân đang sinh sống trong tỉnh, đảm bảo an toàn cho công tác điều trị của tỉnh và cũng là đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho các địa bàn khác. Đây là một quyết định rất khó khăn, nhưng đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thảo luận, cân nhắc, đánh giá rất kỹ lưỡng và quyết định. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình mong các công dân thông cảm, chia sẻ và đồng thuận, thực hiện biện pháp này của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Bình thông tin về việc này với Công an, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh để phối hợp cùng thực hiện, nhất là đối với các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16; đồng thời xử lý nghiêm đối với các chủ phương tiện vận chuyển công dân từ vùng dịch về tỉnh Thái Bình. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền rộng rãi về việc tỉnh không tiếp nhận công dân từ vùng dịch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Chỉ thị 16, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và quy định này của tỉnh.
Đối với việc kiểm soát các ca F0 mới trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế, CDC tỉnh, Công an tỉnh hỗ trợ về nhân lực, chuyên môn cho huyện Tiền Hải, nhất là việc kiểm soát chặt chẽ các khu cách ly tập trung đã xuất hiện ca F0...
Theo Sở Y tế Thái Bình, ngày 2/8/2021, chị Phạm Thị Loan, ở thôn Việt Thắng, xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải tổ chức 4 chuyến xe "0 đồng" đón 85 người quê huyện Tiền Hải từ phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh về Thái Bình. Đến 0 giờ 20 phút ngày 3/8, về đến Thái Bình, tổng số có 111 công dân... Ngày 4/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã triển khai xét nghiệm sàng lọc các trường hợp này và đã xác định được 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh Thái Bình đã hiện hữu, sau 17 ngày tỉnh không ghi nhận ca nhiễm mới.
* Gần 500 trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Việc đặt các khu cách ly tập trung tại các trường học là một giải pháp thuận lợi cho các địa phương hiện nay, bởi vừa có nhiều phòng cho đối tượng cách ly, vừa có các điều kiện phụ trợ khác như nơi ăn, ngủ, tổ chức nấu ăn và vệ sinh.
Để phục vụ công tác cách ly, bên cạnh tạo điều kiện về cơ sở vật chất, ngành Giáo dục Nghệ An chỉ đạo các nhà trường hỗ trợ nhân lực nhằm tăng cường cho các khu cách ly, đặc biệt là công tác hậu cần. Nhiều trường đã phối hợp với địa phương huy động, kêu gọi được hàng trăm triệu đồng tiền mặt và hiện vật cùng các điều kiện nội trú khác để phục vụ công tác cách ly.
Ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng nhiệm vụ mà địa phương đã triển khai. Với những trường học chưa thực hiện làm khu cách ly tập trung, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường tranh thủ thời gian để tiến hành tu bổ, sữa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Nếu việc cách ly tập trung phải kéo dài, Sở dự kiến xây dựng các phương án dự phòng để không ảnh hưởng đến việc trở lại trường của học sinh. Ngoài cách ly tại các nhà trường, để chuẩn bị cho năm học mới, các huyện xây dựng các phương án khác như cách ly tại các trụ sở, trường học cũ sau sáp nhập, cách ly tại các nhà văn hóa của thôn, xóm hoặc hướng tới cách ly tại các gia đình trong điều kiện vẫn đảm bảo an toàn.
* Sau thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 23/7, thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã cơ bản kiểm soát tình hình dịch COVID-19, không còn ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế người và phương tiện ra, vào địa bàn. Trên tinh thần phòng, chống dịch nhưng cũng tạo điều kiện cho người dân, tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố thực hiện cấp phiếu đi chợ cho người dân. Thành phố thiết lập 48 chốt kiểm soát, chốt phong tỏa tại các xã, phường với gần 400 người tham gia trực chiến. Đặc biệt, tại các tuyến đường Quốc lộ 14, 28 (cửa ngõ chính ra, vào thành phố), lực lượng chức năng thiết lập 5 chốt kiểm soát 24/24h. Các xã, phường thành lập các đội phản ứng nhanh, tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng. Các đội thường xuyên tuần tra, kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, những trường hợp vi phạm xử lý theo quy định.
Đến sáng 5/8, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 113 ca mắc COVID-19 tại 8/8 huyện, thành phố (3 trường hợp khỏi bệnh, được xuất viện). Thành phố Gia Nghĩa ghi nhân 19 ca, đều xác định được nguồn lây. Thành phố thành lập 4 khu cách ly tập trung với công suất trên 600 giường (hiện tại đang cách ly tập trung khoảng 220 người) và một khu cách ly dự phòng.
Theo UBND thành phố Gia Nghĩa, một trong những lý do địa phương này nhanh chóng xử lý được các nguồn lây nhiễm là ngay sau khi phát hiện những ca mắc COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đã chỉ đạo các lực lượng thực hiện thần tốc các hoạt động phòng, chống dịch, tiến hành khoanh vùng cách ly, xử lý hiệu quả các ổ dịch, tổ chức xét nghiệm được hơn 1.700 trường hợp. Hiện tại, các ổ dịch đã qua xử lý chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc thứ phát mới.
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế và phòng chống dịch với tinh thần cảnh giác cao độ, không chủ quan, lơ là; tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng tại các tổ dân phố, thôn, buôn, bon trong việc quản lý, phát hiện người từ vùng dịch và không khai báo y tế, không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch.