Đăk Hà là một trong những huyện sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Kon Tum với nhiều diện tích cà phê, cao su, mì (sắn)… Do đó, người dân nơi đây luôn ý thức được rằng việc bảo vệ những cánh rừng đầu nguồn sẽ giúp giữ được nguồn nước phục vụ tưới tiêu để sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, cộng đồng người Xơ Đăng tại xã Đăk Ui luôn ngày đêm canh giữ cánh rừng để đảm bảo lượng nước cho Đập Mùa Xuân và được hưởng nhiều lợi ích khác từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Gia đình anh A Thiên (làng Kon Năng Treang) được chính quyền địa phương giao khoán gần 10 ha rừng để quản lý, bảo vệ. Hai lần một tuần, anh sẽ đi tuần tra quanh khu vực rừng được giao khoán để đảm bảo không xảy ra tình trạng phá rừng hoặc cháy rừng. Nếu phát hiện bất thường, anh sẽ lập tức báo với cơ quan chức năng để tiến hành xử lý.
Anh A Thiên chia sẻ: Việc quản lý, bảo vệ rừng còn giúp anh có thêm thu nhập 200 ngàn/ngày. Đây là số tiền lớn đối với các hộ là người dân tộc thiểu số nói chung, đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Do vậy, người dân trong làng đều dốc sức bảo vệ rừng, quyết tâm không để xảy ra tình trạng vi phạm lâm luật cũng như phá rừng làm nương, rẫy.
Với hơn 270 hộ dân tại xã Đăk Ui tham gia bảo vệ rừng, mỗi năm, người dân nhận được gần 1,5 tỷ đồng tiền thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Già A Bok (làng Kon Năng Treang) cho biết, số tiền cộng đồng làng nhận khoán được dùng chi cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng là 200.000 đồng/người/ngày. Số tiền còn lại được làng dùng vào việc hỗ trợ sinh kế, cho vay vốn đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cùng đó, phục vụ cho các hoạt động chung của làng như sửa nhà rông, tổ chức lễ hội, mua sắm trang thiết bị phục vụ tuần tra, chữa cháy rừng.
“Vì địa bàn xã Đăk Ui có những cánh rừng đầu nguồn nước, đổ về Đập Mùa Xuân phục vụ tưới tiêu cho toàn huyện Đăk Hà nên bà con đều ra sức bảo vệ. Việc bảo vệ những cánh rừng này sẽ giúp người dân tại làng Kon Năng Treang nói riêng và huyện Đăk Hà nói chung phát triển diện tích nông nghiệp, đảm bảo nguồn thu nhập hằng năm cho người dân.”, già A Bok cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Đăk Ui Đinh Thư chia sẻ, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại nhiều hiệu quả cho người Xơ Đăng. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng được cộng đồng sử dụng hiệu quả, góp phần mang lại thu nhập bền vững cho người dân, từng bước nâng cao đời sống, hướng đến thoát nghèo. Việc có thêm thu nhập còn giúp người dân trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng xảy ra.
Thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum luôn nâng cao hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng và UBND cấp xã. Từ đó, không để xảy ra tình trạng sai sót, lãng phí và nhận được sự đồng thuận của đông đảo chủ rừng. Nhờ có nguồn kinh phí từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân trên địa bàn có rừng đã tích cực tham gia vào công tác tuần tra, quản lý và có thu nhập ổn định.
Theo ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, nhất là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tiếp tục nâng cao công tác phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả việc thu, chi số tiền từ dịch vụ môi trường rừng nhằm kịp thời chi trả cho các đơn vị chủ rừng.
Bên cạnh đó, Quỹ còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, hướng đến nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.