Theo thống kê, từ năm 2019 đến năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thực hiện ký 42 hợp đồng và ký các phụ lục hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng có lưu vực nội tỉnh nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo quy định. Qua đó, mang lại nguồn thu hơn 1.590 tỷ đồng, tương đương gần 320 tỷ đồng/năm. Một phần số tiền được chi trả cho các hộ gia đình, cộng đồng được giao đất, giao rừng để quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế và nâng cao nhận thức của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng.
Từ hỗ trợ sinh kế
Anh Ly Va, thôn 11, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy cho biết, gia đình nhận quản lý, bảo vệ 30 ha rừng từ năm 2008. Năm 2014, anh được nhận 3,5 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và tăng lên ở những năm sau đó, dao động từ 17 – 22 triệu đồng/năm. Có được tiền, anh Ly Va được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng dẫn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
"Có năm mua bò, có năm tôi lại dùng tiền để mua phân bón hay mua giống cây trồng. Hiện nay, tôi luôn duy trì đàn bò được 2 - 5 con, phát triển thêm nông nghiệp được 3 ha cao su, 5 sào cà phê, 6 sào lúa và 4 ha sắn. Mỗi năm thu nhập của gia đình được gần 200 triệu, trừ chi phí còn khoảng 150 triệu đồng" - anh Ly Va chia sẻ.
Ông Lê Văn Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Ruồng cho biết, hiện toàn xã có 55 hộ được giao rừng và 2 cộng đồng thôn tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của địa phương được chi trả và sử dụng đúng mục đích, góp phần tạo điều kiện, tạo sinh kế cho người dân, cộng đồng phát triển. Nhờ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, cùng định hướng của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, người dân trên địa bàn đã biết sử dụng tiền một cách hợp lý, làm kinh tế, phát triển đời sống gia đình. Nhờ đó, góp phần giảm nghèo cho địa phương. Đến nay, toàn xã chỉ còn 32 hộ nghèo, chiếm 2,3% tổng số hộ dân của xã. Xã Đăk Ruồng cũng đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Trong khi đó, cộng đồng thôn 4, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy có 77 hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ 448 ha rừng từ năm 2021. Chị Y Khuyên, thôn trưởng thôn 4 cho biết, cộng đồng thôn chia ra các tổ gồm 5 người/tổ để đi tuần tra, bảo vệ rừng theo lịch phân công mỗi tuần một lần. Nhờ làm tốt quản lý, bảo vệ rừng, 2 quý đầu năm 2024, cộng đồng thôn đã nhận được hơn 250 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
"Số tiền nhận được sẽ chia cho các hộ tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Một phần sẽ được đưa vào quỹ thôn để phục vụ cho các hoạt động chung như hỗ trợ cho lễ hội, hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo khi bị ốm đau, bệnh tật. Nhờ đó, đời sống của các hộ tham gia quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên, tình cảm của bà con nhân dân trong thôn ngày càng được bền chặt", chị Y Khuyên nói.
Ông Đào Thanh Sang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Kôi cho biết, xã có hơn 830 hộ dân sinh sống tại 9 thôn, làng; trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96%. Được sự quan tâm của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, toàn xã có 249 hộ và một cộng đồng thôn được giao khoán quản lý, bảo vệ gần 3.000 ha rừng.
"Thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con tham gia quản lý, bảo vệ rừng đã nhận được một khoản tiền không nhỏ hằng năm. Dưới sự hướng dẫn của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cùng sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, bà con đã sử dụng tiền đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ đó, góp phần giảm nghèo cho địa phương, từ một xã đa số là hộ nghèo thì đến nay, xã chỉ còn 171 hộ nghèo, chiếm hơn 20%, xã cũng đã đạt 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới", ông Đào Thanh Sang khẳng định.
Đến góp phần bảo vệ rừng
Cộng đồng thôn Đăk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi đang quản lý, bảo vệ 185,2 ha rừng, do Ủy ban nhân dân xã giao đất, giao rừng vào năm 2018; trong đó, có 92 ha rừng hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Với 16 thành viên là các hộ gia đình trong thôn, các hộ gia đình đã phân công nhau thực hiện công tác quản lý, bảo vệ theo lịch trình định sẵn.
Ông Vi Văn Tiêm, Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Đăk Vang cho biết, với 16 người, ông đã chia làm 4 tổ. Vào mùa mưa, mỗi tháng các tổ sẽ đi tuần tra, kiểm soát 4 lần; vào mùa khô, số lần đi tuần tra rừng tăng lên gấp đôi là 8 lần. Diện tích rừng cách thôn khoảng 5 km, nên việc tuần tra, kiểm soát cũng không gặp nhiều khó khăn. Thông thường, các nhóm sẽ đi xe máy đến bìa rừng, rồi đi bộ để tuần tra. Đặc biệt, khi nhận khoán, cộng đồng thôn Đăk Vang còn quản lý hơn 30 ha đất không có rừng. Từ đây, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cộng đồng thôn đã tiến hành trồng mới hơn 32 ha rừng,
"Với diện tích hơn 185 ha rừng, Ban đã vẽ bản đồ chia thành 4 tiểu khu là Tiểu khu giáp Giang Lố 1, Tiểu khu Đá Ngựa, Tiểu khu rừng già và Tiểu khu rừng trồng. Làm như thế thì việc phân công các nhóm đi tuần tra sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Ban cũng quản lý các nhóm trên mạng xã hội zalo, khi đi tuần tra phát hiện dấu hiệu bất thường sẽ báo cáo trực tiếp lên nhóm. Trưởng ban sẽ báo cáo với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời", ông Tiêm nói.
Nhờ vào việc quản lý, bảo vệ rừng tốt, kể từ năm 2018 đến nay, diện tích rừng giao cho cộng đồng thôn Đăng Vang không xảy ra cháy rừng hoặc tình trạng phá rừng. Năm 2023, cộng động đã nhận được 82 triệu đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 92 ha được hưởng chính sách này. Số tiền hưởng lợi được cộng đồng sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả khi trích 60% để chi trả cho các hộ gia đình tham gia tuần tra, bảo vệ rừng; 10% cho quỹ thôn; còn lại sẽ được sử dụng cho các hoạt động chung của cộng đồng.
Ông Nguyễn Vũ Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi cho biết, toàn huyện Ngọc Hồi có gần 1.800 ha rừng hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, có 9 cộng đồng tại hai xã Sa Loong và Đăk Ang nhận quản lý, bảo vệ 895,8 ha; 118 hộ gia đình tại các xã Đăk Ang, Đăk Dục, Đăk Nông nhận quản lý, bảo vệ 897,5 ha. Năm 2023, tổng số tiền mà các cộng đồng, hộ gia đình nhận được từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là 1,59 tỷ đồng, tương đương bình quân khoảng 887.000 đồng/ha.
Hiệu quả lâu dài là người dân thực sự làm chủ diện tích rừng được giao, từ đó ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo được công ăn việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân. Đặc biệt, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, các cộng đồng và hộ gia đình đã chủ động nắm rõ ranh giới quản lý của mình và tự chủ động đề ra phương án, giải pháp để tuần tra, bảo vệ, phát hiện sớm trường hợp vi phạm để báo cáo cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, từ số tiền thu được từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả cho các hộ gia đình, cộng đồng được giao đất, giao rừng để quản lý, bảo vệ. Riêng năm 2023, đã có gần 3.300 hộ gia đình và 147 cộng đồng trên địa bàn tỉnh được chi trả với tổng số tiền gần 48,6 tỷ đồng.
"Từ việc được giao đất, giao rừng có đem lại nguồn thu nhập nên người dân, cộng đồng sống gần rừng đã rất quan tâm đến quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên thực hiện tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên diện tích được giao. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực như tự khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng bổ sung cây lâm nghiệp... trên diện tích được giao. Qua đó, giúp người dân sống gần rừng cải thiện sinh kế, đồng thời đã đẩy mạnh việc xã hội hóa nghề rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội", ông Nguyễn Văn Nam khẳng định.