Hội thảo có sự tham gia của nhóm cố vấn bom mìn - MAG (Anh), các chuyên gia đến từ Trường Đại học Jangan (Hàn Quốc), Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã trình bày nhiều nội dung về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh như: Tình hình ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý rà phá bom mìn; hành động của Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn từ sau chiến tranh đến nay; nâng cao hoạt động điều tra, rà soát bom mìn cho cán bộ địa phương; xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn; các mô hình hiệu quả rà phá bom mìn tại Quảng Trị...
Các chuyên gia nước ngoài đã thảo luận và nêu lên một số vấn đề về hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn; công tác điều phối và thu nhập dữ liệu về rà phá bom mìn; phương pháp lập kế hoạch hành động rà phá bom mìn; xây dựng hành lang pháp lý và năng lực khi xây dựng các chương trình hành động về rà phá bom mìn có sự hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan nước ngoài.
Theo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố bị ô nhiễm bom mìn với diện tích khoảng 5,6 triệu ha (chiếm 17,71% diện tích cả nước). Ước tính còn khoảng 600.000 - 800.000 tấn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh còn tồn tại trong lòng đất; số nạn nhân bom mìn khoảng 110.000 người.
Năm 2010, Chính phủ ban hành Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504) giai đoạn 2010 - 2025. Triển khai thực hiện chương trình này, Việt Nam đã xây dựng các kế hoạch, hoạt động và quy trình kỹ thuật về khắc phục hậu quả bom mìn; vận động nguồn lực viện trợ không hoàn lại của nước ngoài hơn 2.100 tỷ đồng dành cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Đồng thời điều phối các dự án hợp tác quốc tế nhằm khảo sát trên 18.000 ha và rà phá trên 9.000 ha diện tích bị ô nhiễm bom mìn tại Quảng Bình, Bình Định và Thừa Thiên - Huế. Các cơ quan chức năng tiến hành tuyên truyền nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn cho hơn 450.000 lượt người dân; xây dựng chiến lược giáo dục nguy cơ bom mìn cấp quốc gia; xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn và nâng cao năng lực quản lý thông tin khắc phục hậu quả bom mìn từ trung ương đến địa phương.
Tại tỉnh Phú Yên có 110/110 xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với diện tích chiếm hơn 20% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Do việc tồn dư bom mìn và vật liệu nổ còn nhiều nên các vụ tai nạn bom mìn, vật nổ thương tâm vẫn còn xảy ra trong thời gian qua. Đáng chú ý có một số vụ gây chết người hoặc bị thương nặng tại huyện Sơn Hòa, huyện Sông Hinh và thị xã Đông Hòa. Nạn nhân các vụ phát nổ bom mìn chủ yếu là lao động chính trong gia đình, trẻ em hoặc những người còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Phú Yên đã thực hiện giải phóng 1.104 ha diện tích bom mìn, vật nổ tại thị xã Đông Hòa và huyện Phú Hòa. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến thực hiện giải phóng 1.800 ha bom mìn, vật nổ tại huyện Tuy An, huyện Sông Hinh và thị xã Đông Hòa.
Theo bà Đỗ Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Yên, hiện nay, công tác chăm lo sức khỏe cho người dân và tập huấn kỹ năng cho nạn nhân bom mìn được tỉnh Phú Yên quan tâm nhưng nhu cầu của cộng đồng vẫn còn rất lớn. Vì vậy, việc triển khai công tác nâng cao năng lực rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại các vùng ô nhiễm nặng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là một yêu cầu cấp bách nhằm cải thiện môi trường sống, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.