Điều này đã làm hàng nghìn hộ dân điêu đứng lâm vào cảnh nợ nần. Để hạn chế rủi ro, thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh đã định hướng xây dựng vùng chuyên canh tập trung cây ăn quả gắn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chất lượng giúp tăng thu nhập cho người nông dân trong giai đoạn cây hồ tiêu mất vị thế.
Từ dự án nông thôn miền núi giai đoạn 2019-2025, huyện Chư Pưh đã hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lắp đặt hệ thống tưới cho gia đình anh Ra Lan Phương ở thôn Plei Thơ Ga B, xã Chư Đôn chuyển đổi từ 5 sào hồ tiêu bị sâu bệnh chết chuyển sang trồng giống bưởi đỏ Hòa Bình. Hiện vườn cây của gia đình anh Phương đang phát triển khá tốt và đã bước sang năm thứ 2. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh, dự kiến năng suất cây bưởi sẽ đạt trên 30 tấn/ha, cộng với giá hiện nay giao động trên dưới 40.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập ổn định hơn so với trồng tiêu trước đây.
Quyết tâm tìm hướng đi mới để vượt khó, gia đình ông Phan Văn Quý ở thôn Thiên An, xã Ia Blứ đã mạnh dạn chuyển đổi 3 ha hồ tiêu già cỗi kém năng suất sang trồng bưởi da xanh và cam sành. Sau 3 năm tận tâm chăm sóc, vườn cây của gia đình ông Quý giờ đã cho thu bói. Với sản lượng 1 tấn bưởi và 20 tấn cam thu bói đã mang lại thu nhập cho gia đình ông Quý hơn 240 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với thu nhập từ hồ tiêu trước đây.
Do diện tích hồ tiêu của gia đình đã già cỗi kém hiệu quả nên 2018, ông Quý quyết định chuyển sang trồng bưởi và cam để tìm kiếm cơ hội cải thiện thu nhập. Sau 3 năm chuyển đổi, giờ vườn cây của gia đình đã cho thu bói 1 tấn bưởi và khoảng 20 tấn cam. Với giá bưởi hiện tại 40.000 đồng/kg và cam từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi, cây cam tốt hơn nhiều so với trồng tiêu, ông Phan Văn Quý khẳng định.
Đến thời điểm này, hơn 1.700 ha hồ tiêu bị chết của địa phương đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, trong đó nhiều nhất là nhóm cây ăn quả với hơn 600 ha.
Ông Nguyễn Long Khánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh cho biết, hiện địa phương đã triển khai dự án điều tra, đánh giá đất đai để làm cơ sở xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn.
Cùng với đó, xác định rõ từng vùng đất phù hợp với nhóm cây trồng nào sẽ định hướng người dân chuyên canh tập trung theo hướng liên kết sản xuất và đảm bảo chuỗi tiêu chuẩn, chất lượng. Theo quy hoạch định hướng của địa phương hiện nay, các xã Ia Le, Ia Blứ, Chư Đôn là những vùng có điều kiện đất đai phù hợp để canh tác cây có múi, đặc biệt là bưởi da xanh và cam sẽ cho giá trị kinh tế cao.
Để nâng cao chất lượng cây trồng mang lại giá trị kinh tế, đặc biệt là nhóm cây ăn quả, thời giai qua, địa phương đã lồng ghép chương trình OCOP, VietGAP, GlobalGAP gắn với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ đó, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 2 sản phẩm trái cây là sầu riêng và Na thái đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao theo hướng sản xuất hữu cơ, ông Khánh chia sẻ thêm.
Việc giúp người nông dân chuyển đổi và ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả trên những diện tích hồ tiêu bị hạn, sâu bệnh, già cỗi kém hiệu quả bước đầu đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, qua đó góp phần giảm nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh.