Phát triển đô thị xanh
Thành phố Tuy Hòa có diện tích tự nhiên khoảng 107,3 km2, dân số khoảng 202.030 người và 16 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 12 phường, 4 xã). Thành phố đang phấn đấu đến năm 2025 tiến lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Yên.
Ðầu năm 2024, Tuy Hòa được trang Booking.com bình chọn là một trong 10 địa phương thân thiện nhất Việt Nam. Tuy Hòa đang phấn đấu trở thành một trong những đô thị sạch nhất trong khu vực và cả nước, là thành phố đáng sống và có bản sắc riêng. Một phần quan trọng của sự thân thiện và bản sắc riêng đó được xây dựng từ hệ thống cây xanh đô thị mà tỉnh Phú Yên và thành phố Tuy Hòa đã đặc biệt dành sự đầu tư trong những năm gần đây.
Tại Tuy Hòa, đề án trồng 2 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đang được triển khai thực hiện. Phương án trồng cây theo hướng tạo lập các khoảnh rừng nhiệt đới bằng cây bản địa phù hợp với khí hậu địa phương. Đặc biệt “Rừng trong phố Núi Nhạn” với tổng diện tích 8,4 ha, 450 loài cây; trong đó, có nhiều loài cây gỗ quý đang được thành phố quan tâm đầu tư, hướng đến không chỉ là địa điểm tham quan lý tưởng mà còn trở thành địa chỉ xanh phục vụ nghiên cứu, khám phá hệ sinh vật nhiệt đới đa dạng.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa cho biết: Thành phố Tuy Hòa hiện có 123 tuyến đường đã được đầu tư trồng cây xanh cơ bản hoàn chỉnh với khoảng 17.000 cây xanh đa dạng chủng loại. Đồng thời, thành phố có khoảng 27 công viên, với tổng diện tích 59 ha, giúp tạo mảng xanh, tăng mỹ quan đô thị, và là các lá phổi tự nhiên cho thành phố.
Thành phố Tuy Hòa đang thực hiện quy hoạch, định hướng phát triển mảng xanh, hạ tầng cây xanh và định hướng phát triển hệ sinh thái xanh cho đô thị. Nhằm kiến tạo cơ chế bền vững cho phát triển không gian xanh đô thị, thành phố Tuy Hòa đang hướng tới nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường, phí giảm phát thải khí nhà kính (tín chỉ cacbon), phí sử dụng không gian xanh…
Theo ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, trong quy hoạch chung, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Phú Yên xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, thành phố Tuy Hòa là đô thị trung tâm và động lực phát triển của tỉnh. Để thành phố Tuy Hòa trở thành thành phố văn minh, xanh, sạch đẹp, tỉnh quan tâm quy hoạch các công viên cây xanh, dự kiến hình thành chuỗi công viên với tổng diện tích gần 100 ha trong lòng thành phố. Khi đó, định mức cây xanh của thành phố Tuy Hòa sẽ cao gấp 1,6 lần so với quy định.
Hình thành khu thương mại, dịch vụ biển
Thành phố Tuy Hòa có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng hữu tình với đường bờ biển dài trên 30 km mang vẻ đẹp nguyên sơ. Đây là tiềm năng lớn để địa phương phát triển kinh theo hướng xây dựng chuỗi các trung tâm thương mại, dịch vụ ven biển.
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tuyến đường ven biển Độc Lập, thành phố Tuy Hòa, tỉ lệ 1/2.000, cấu trúc không gian đô thị được phân lớp rõ rệt, từ không gian xanh ven biển đến bãi cát, hình thành không gian công cộng như bãi tắm, quảng trường biển, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch... và khu vực thương mại dịch vụ, du lịch, đô thị ven biển.
Tại các khu vực ven biển sẽ hình thành các trục hỗn hợp thương mại, dịch vụ sôi động dọc các tuyến đường chính trong đô thị thuộc khu vực quy hoạch (đường Độc Lập, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Thọ...); phát triển, tạo lập các không gian công cộng để tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch biển, với quy mô lớn. Các công trình được tích hợp đa chức năng, được thiết kế hài hòa về hình thức kiến trúc.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Tỉnh sẽ ưu tiên sử dụng vốn ngân sách thực hiện các chương trình, dự án xây dựng cơ bản, các dự án trọng điểm kết cấu hạ tầng, các chương trình, dự án tạo động lực phát triển. Địa phương cũng tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án thuộc chương trình kết cấu hạ tầng sử dụng nguồn vốn ODA, vốn doanh nghiệp, tham gia đầu tư các dự án khu dân cư, thương mại dịch vụ.
Cùng với thực hiện quy hoạch phát triển khu vực ven biển, thành phố Tuy Hòa đang triển khai thực hiện đề án thí điểm kinh tế đêm để tập trung khai thác du lịch. Tổng mức đầu tư phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2030 khoảng 730 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách nhà nước 12 tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác 718 tỷ đồng); trong đó, đoạn 2024 - 2025 sẽ cải tạo, phát huy các cơ sở hiện có và xây dựng một số hạng mục để phát triển kinh tế ban đêm với mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 kêu gọi, thu hút đầu tư các hạng mục có mức đầu tư lớn, các khu vực vui chơi, giải trí chuyên đề, tổng mức đầu tư khoảng 670 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa cho biết, đề án dự kiến sẽ thu hút đầu tư, xây dựng các công trình vui chơi giải trí, hướng tới hình thành công viên vui chơi giải trí Tuy Hòa; phục vụ người dân và du khách không chỉ ban đêm mà cả ngày. Việc xây dựng đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Tuy Hòa là cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Tuy Hòa lần thứ 16 nhiệm kỳ 2020 - 2025. Khi phát triển mạnh các ngành du lịch, dịch vụ sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Thành phố Tuy Hòa đang có tiềm năng rất lớn để trở thành một thành phố du lịch hấp dẫn du khách khi là đô thị ven biển xanh, năng động và có nhiều di tích danh thắng nổi tiếng. Trong 8 tháng 2024, tổng lượt khách du lịch đến Tuy Hòa đạt trên 2,5 triệu đạt 103% so với chỉ tiêu năm, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách quốc tế là 20.800 lượt, đạt 92% so với chỉ tiêu, tăng 17% so với cùng kỳ.