Trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cả 3 phương án đều “không ổn”, giống như 1 dự án địa ốc chứ không phải quy hoạch bảo tồn. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố Đà Lạt lại cho rằng, thành phố Đà Lạt cũng như mọi thành phố khác, cần thay đổi để phát triển hơn là giữ lại những hoài niệm trong nghèo nàn và lạc hậu.
Như TTXVN đã thông tin, từ ngày 14/8 - 14/9/2020, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết khu Trung tâm Hòa Bình trước khi đưa vào thực hiện.
Theo đó, trong 8 phương án được đưa ra, có 3 phương án được lựa chọn để lấy ý kiến của các chuyên gia cũng như mọi người dân lựa chọn. Phương án 1, nâng Dinh Tỉnh trưởng lên cao 28 m so với hiện nay, bên dưới là hệ thống công trình không gian như vườn thực vật, trung tâm hội nghị, sự kiện, thương mại, nhà hàng; không gian lưu trú; phương án 2 giữ nguyên Dinh Tỉnh trưởng, bao quanh là khu vực khách sạn cao cấp 6 sao hình chữ U cao 10 tầng, trung tâm hội nghị quốc tế và các không gian phụ trợ; khu vườn thiết kế theo phong cách vườn Pháp; còn phương án 3 cũng vẫn giữ nguyên Dinh Tỉnh trưởng, nhưng cạnh đó là khối khách sạn đồ sộ hình vòng cung.
Sau khi đưa ra trưng bày, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đã có ý kiến cho rằng các phương án kiến trúc trên mang nặng lợi ích quy hoạch địa ốc chứ chưa nghĩ đến lợi ích cộng đồng. Cả 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng đang được trưng bày đều thể hiện “ý chí của nhà đầu tư” biến khu vực đồi Dinh thành cụm khách sạn đồ sộ, nhằm sử dụng diện tích khu đất đã được phê duyệt 16.904 m2, với những công trình xây dựng lên tới 10 tầng, chiều cao tối đa tới 55m.
Kiến trúc sư Đặng Phan Lạc Việt (Thành phố Hồ Chính Minh) cho rằng, một mảng xanh hiếm hoi còn sót lại giữa trung tâm Đà Lạt sẽ biến mất khi một trong ba phương án này được thực hiện. Tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt cần phải bảo vệ những không gian xanh là lá phổi của phố núi, phải bảo vệ kiến trúc di sản độc đáo của Đà Lạt.
Kiến trúc sư Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến: “Việc xây dựng ở khu vực trung tâm rất nhạy cảm, nhà đầu tư cần có sự tương hợp hài hòa giữa lợi ích của mình và lợi ích cộng đồng”.
Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch) cho biết, các kiến trúc sư, Hội Quy hoạch phát triển đô thị, chuyên gia trong và ngoài nước đã lên tiếng về vấn đền này. Theo đó, khu Hòa Bình phải làm quy hoạch bảo tồn và chỉnh trang chứ không phải quy hoạch dự án địa ốc vì vậy cần phải thu hồi quy hoạch này rồi làm lại quy hoạch bảo tồn, dựa trên đó mới làm phương án kiến trúc.
Trước những ý kiến trên, ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt đã có cuộc làm việc với các phóng viên để nêu quan điểm của chính quyền địa phương cũng như cảm nghĩ của cá nhân.
Ông Trình cũng như rất nhiều cán bộ của tỉnh Lâm Đồng lớn lên từ nhỏ ở Đà Lạt nên có những ký ức, những hoài niệm rất sâu đậm về mỗi cánh rừng, mỗi công trình kiến trúc trên thành phố này. Tuy nhiên, ông Trình cho rằng không thể giữ mãi những hoài niệm, những ý ức đó, để cho thành phố vẫn cổ kính như khi mới ra đời mà không được phép phát triển theo hướng hiện đại.
Vào những năm 19, dân số thành phố chỉ có trên 9.000 người; sau 1975, dân cư có trên 85.000 người thì nay đã tăng lên tới 226.000 người cộng thêm 43.000 người từ nơi khác tới làm ăn, chưa kể lượng khách du lịch như trong năm 2019 lên tới 6,1 triệu lượt người. Trong khi đường phố, cơ sở hạ tầng của thành phố vẫn như vậy thì không thể đáp ứng nổi nhu cầu thực tế. Bởi vậy cho nên việc quy hoạch lại thành phố để phát triển là nhu cầu tất yếu.
Theo ông Võ Ngọc Trình, về mặt pháp lý thì trong tất cả các văn bản của chế độ cũ cũng như hiện nay, chưa có tài liệu nào xác định khu Hòa Bình và khu đồi Dinh Tỉnh trưởng là di sản kiến trúc. Cụ thể, Trung tâm Hòa Bình được xây dựng từ năm 1929, sau một vụ hỏa hoạn, đến năm 1958 được xây dựng lại; trong đó có Rạp chiếu phim như bây giờ. Như vậy, công trình này mới chỉ được 60 năm tuổi, chưa được xếp vào di sản kiến trúc của người Việt.
Còn công trình Dinh Tỉnh trưởng xây dựng từ năm 1910, với kiến trúc Pháp gồm 2 tầng lầu và 1 tầng trệt trên đỉnh đồi, là nơi làm việc của Tỉnh trưởng Tuyên Đức kiêm Thị trưởng Đà Lạt. Tuy nhiên qua các thời kỳ quy hoạch, bảo tồn kiến trúc theo quy hoạch chung Đà Lạt dựa vào các Quyết định 409/QĐ-TTg năm 2002 và Quyết định 704/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đều không nêu 2 công trình này.
Quy hoạch chung mới nhất là Quyết định 704, quy hoạch tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng chỉ xác định bảo tồn kiến trúc các Dinh Bảo Đại 1, 2, 3; khu biệt thự Trần Hưng Đạo, Lê Lai; trục di sản kiến trúc Đông - Tây từ thác Cam Ly tới ngã ba Trần Quý Cáp.
Đáng chú ý là trên thực tế, khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng từ trước tới nay, không mấy du khách nào quan tâm khi tới thăm Đà Lạt, vì nơi đây cũng không có gì để tham quan. Nếu không đầu tư vào khu vực, thì cũng không có mấy người biết đến công trình kiến trúc này.
Trả lời câu hỏi tỉnh Lâm Đồng đang trong quá trình xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản, vậy việc xây dựng cụm khách sạn cao tầng, hiện đại trên khu vực đồi Dinh có “phá vỡ” kế hoạch đô thị di sản Đà Lạt. Ông Võ Ngọc Trình cho biết, đô thị di sản Đà Lạt bao gồm nhiều yếu tố như con người Đà Lạt, giá trị về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên Đà Lạt; quỹ di sản kiến trúc công trình và giá trị văn hóa. Như vậy, kiến trúc chỉ là một phần để tạo nên đô thị di sản.
Thực tế theo quy hoạch được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt ngày 12/2/2019 thì khu trung tâm Hòa Bình và đồi Dinh Tỉnh trưởng chỉ thay đổi công trình xây dựng hiện đại hơn, còn kiến trúc cảnh quan vẫn phù hợp với quy hoạch chung. Có người nói nên chọn vị trí khác để xây dựng các công trình hiện đại, nhưng nhu cầu thực tế cần thiết phải đầu tư, nâng cấp các công trình ở trung tâm để nâng tầm Đà Lạt lên.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt, nhiều du khách cho biết họ mang tiền lên Đà Lạt rồi lại mang về, bởi không có gì để mua sắm cả. Bởi vậy, quan điểm của tỉnh Lâm Đồng vẫn là cần phát triển khu trung tâm thành phố thành các trung tâm thương mại ngầm trong lòng đất, vừa giải tỏa lượng người trên mặt đất, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách và người dân địa phương.
Trước đây, khi chủ trương xây dựng Quảng trường Lâm Viên, với trung tâm thương mại trong lòng đất cũng bị nhiều chuyên gia và dư luận phản đối kịch liệt. Tuy nhiên cho đến nay, các công trình như Quảng trường Lâm Viên, Công viên Ánh sáng, Vườn hoa thành phố… đã trở thành điểm nhấn của thành phố, khẳng định rằng quan điểm phát triển đô thị theo hướng hiện đại, nhưng vẫn phù hợp với cảnh quan thiên nhiên là đúng đắn.
Không thể giữ mãi những hoài niệm, những ký ức về một thành phố Đà Lạt cổ kính trong mắt mọi người mà để người dân Đà Lạt không được hưởng những thành quả văn minh như các thành phố hiện đại khác, như vậy là không công bằng - ông Trình nêu quan điểm.
Với các ý kiến trái chiều vừa qua, lãnh đạo thành phố Đà Lạt cũng bày tỏ mong muốn được nghe thêm các ý kiến của những kiến trúc sư các trường phái khác nhau, nhất là những người đã có những công trình thể hiện thành công, mang dấu ấn tại thành phố Đà Lạt. Việc trưng bày và lấy ý kiến của các chuyên gia và nhân dân cả nước về quy hoạch khu trung tâm thành phố Đà Lạt vẫn còn kéo dài tới ngày 14/9/2020.