Kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43, kinh tế thành phố Đà Nẵng đã có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận. Đà Nẵng đã trở thành một trong những địa phương có mức độ phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch COVID-19. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước đạt 134.247 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, với tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp chiếm gần 90% trong GRDP thành phố (các số liệu năm 2023). Một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển khá, hướng tới là trung tâm vùng, nhất là thương mại, dịch vụ, du lịch biển.
Không gian và tiềm năng kinh tế biển từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; đô thị phát triển theo mô hình đô thị nén hiện đại với tỷ lệ đô thị hoá đạt 87,45%, cao nhất cả nước. Theo thống kê, giai đoạn 2019-2023, thành phố đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 22.260 doanh nghiệp, với vốn điều lệ 110.175 tỷ đồng.
UBND thành phố cũng đã nhanh chóng ban hành Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhờ đó, đến nay, thành phố đã thu hút được 1,41 tỷ USD vốn đầu tư FDI, trong đó cấp mới 416 dự án với tổng vốn đạt 990,2 triệu USD; điều chỉnh tăng/giảm vốn cho 134 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 184,5 triệu USD và 650 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng giá trị 242,5 triệu USD.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hướng đến xây dựng không gian đô thị hiện đạị và thành phố môi trường. Thành phố đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 1287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến nay, cơ bản hoàn thành 9/9 đồ án phân khu đô thị và 4/10 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng chức năng.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng thực hiện nghiêm túc, đi vào chiều sâu; công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên đạt được kết quả tích cực. Nhờ đó, năm 2023, toàn Đảng bộ thành phố kết nạp 1.839 đảng viên mới, đạt tỷ lệ 3,08% số đảng viên đầu năm.
Công tác đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả quan trọng. Đà Nẵng là đơn vị 13 năm liên tục (2009-2022) dẫn đầu bảng xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Việt Nam ICT Index); năm thứ tư liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; năm thứ ba liên tiếp (2020-2022) xếp Nhất các tỉnh thành về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh;…
Ngoài ra, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền bước đầu phát huy tính ưu việt; bộ máy hành chính được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhiều cơ chế, chính sách mới, đặc thù được ban hành triển khai hiệu quả; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt các kết quả tích cực.
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Đà Nẵng trong 5 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng và chứng tỏ Nghị quyết số 43-NQ/TW đang dần đi vào cuộc sống.
Tập trung nguồn lực đầu tư để tiếp tục thực hiện hiệu quả
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Đà Nẵng cần triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian đến.
Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW gắn với Nghị quyết số 26-NQ/TW, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Đà Nẵng và quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lại các chỉ tiêu đã đề ra để đưa các kịch bản và giải pháp nhằm đạt được các chỉ tiêu ở mức cao nhất trong điều kiện cụ thể của thành phố; nghiên cứu, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mới, đặc biệt là cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, về tài chính, ngân sách, thuế, hải quan, quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trưởng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Tập trung vào: Cơ chế tuyển dụng, hỗ trợ tài chính và hoạt động đầu tư công cho Trung tâm tính toán hiệu năng cao để hỗ trợ cho lĩnh vực bán dẫn vi mạch và trí tuệ nhân tạo; cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng tài sản công, về đào tạo, thu hút nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn vi mạch và trí tuệ nhân tạo; cơ chế đặc thù cho phép Thành phố được thử nghiệm có kiểm soát (Sanbdox) qua sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong quản lý và giao dịch tài sản số trên nền tảng DanangChain; chính sách về đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; chính sáchhỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất các nhân tố tổng hợp và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng ứng dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư để Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên; thực hiện hiệu quả chuyển đổi số; xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung để đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ số, công nghệ thông tin,…
“Thành phố cần triển khai thực hiện tốt các Quy hoạch của thành phố đã được phê duyệt; khẩn trương hoàn thành, phê duyệt toàn bộ quy hoạch phân khu trong năm 2024; tiếp tục phát triển thành phố trở thành đô thị du lịch lớn, chuyển từ cấu trúc đơn tâm sang phát triển đa cực.
Song song đó, tiếp tục đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối miền Trung- Tây Nguyên; đầu tư phát triển văn hóa đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, thúc đẩy hợp tác quốc tế về đào tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp công nghệ cao nhất là lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; khai thác cơ hội từ các thỏa thuận cam kết quốc tế để Đà Nẵng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh đổi mới công tác cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh,…”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, nhấn mạnh.