Các hội viên đã đề nghị tỉnh xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; quản lý thị trường vật tư nông nghiệp; ổn định giá cả đầu ra các mặt hàng nông sản. Cùng với đó là xử lý ô nhiễm môi trường; khắc phục sạt lở đê bao, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; bảo vệ nông dân trước tình hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng… Nông dân cũng mong muốn Chủ tịch UBND tỉnh thông tin kế hoạch sản xuất về Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh thường xuyên đối mặt với khó khăn, do đó các ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân thắt chặt liên kết, mở rộng thị trường đầu ra, kiểm soát chặt thị trường và chất lượng vật tư nông nghiệp bởi nhiều mặt hàng như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản không niêm yết giá bán, một số nơi bán giá rất cao; có hàng hóa kém chất lượng. Nông dân cũng mong muốn UBND tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi chính sách này kết thúc sau năm 2025; bổ sung thêm một số loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao để khuyến khích chuyển đổi…
Ông Trần Vũ Phương, Hội Nông dân phường 1, thị xã Duyên Hải cho biết, ở xã và huyện Duyên Hải tự phát nghề nuôi hàu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên lại ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường thủy nội địa. Ngành chức năng tỉnh cần tháo gỡ, quy hoạch vùng nuôi hàu chuyên canh để nông dân phát triển nghề này.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, theo Luật Thủy sản, việc nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè thì các tổ chức, cá nhân phải đăng ký nuôi để được cấp giấy xác nhận, đồng thời việc nuôi trồng phải phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc nuôi hàu, thủy sản bằng lồng, bè đã được UBND tỉnh chỉ đạo địa phương, ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển và sẽ sớm ban hành hướng dẫn cho người nuôi.
Ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải nêu, tình hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng, Một bộ phận nông dân nhận thức còn hạn chế, ít tiếp cận công nghệ số, rất dễ bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, ngành chức năng cần có biện pháp hướng dẫn, bảo vệ người dân.
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh thông tin, đơn vị sẽ phối hợp sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin về các kỹ năng trên môi trường mạng...
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn đề nghị các sở, ban, ngành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ra chủ trương, giải pháp thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tạo điều kiện để hội viên nông dân tiếp cận, hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Sở phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tuyên tuyền, phát động, nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả để nông dân học hỏi, áp dụng vào sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.
Ngành chức năng đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân khai thác, kết nối, chia sẻ thông tin và công nghệ vào bảo quản, chế biến, vận chuyển, phân phối, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân trong từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các chuỗi giá trị có thế mạnh. Hội Nông dân các cấp quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên; bám sát cơ sở, kịp thời phản ánh, kiến nghị với cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ...
Trà Vinh đang thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Theo kế hoạch, đến năm 2025 tỉnh mở rộng diện tích lên 10.550 ha và đến năm 2030 đạt 30.736 ha trồng lúa, thực hiện ở 42 xã của 6 huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang. Nông dân sẽ tăng lợi nhuận đáng kể nhờ giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống; năng suất và giá lúa thương phẩm tăng. Trong tương lai, nông dân còn có thể thu lợi từ việc bán tín chỉ carbon...