Từ 2018 đến nay, phát huy lợi thế sẵn có, cùng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, huyện Đơn Dương đang từng bước trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.
Từ năm 2018, huyện Đơn Dương đã bắt tay vào quá trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích canh tác kém hiệu quả sang sản xuất cây rau thương phẩm. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi; kinh tế phát triển, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Ông K’Zin, dân tộc K’Ho, trú tại xã Đạ Ròn là điển hình làm kinh tế giỏi của huyện Đơn Dương. Ông K’Zin chia sẻ, nhiều năm trước, gia đình ông chỉ nuôi bò lấy thịt, thu nhập không ổn định. Sau đó, nhận thấy chăn nuôi bò sữa cho thu nhập ổn định, ông đã quyết tâm chuyển sang mô hình chăn nuôi bò sữa. Gia đình ông K’ Zin hiện nuôi 28 con bò, trong đó có 15 con lấy sữa, sản lượng sữa trung bình 19kg/ngày, thu về hơn 5 triệu đồng/tháng, từ đó có nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhận thấy hiệu quả từ nuôi bò sữa, ông K’Zin mạnh dạn đầu tư trồng cỏ nuôi bò, tăng số lượng đàn bò để tạo thu nhập tốt hơn cho gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Phong Phú (thị trấn Thạnh Mỹ) đã ứng dụng hiệu quả công nghệ điều khiển tưới thông minh trên diện tích 5ha nhà màng trồng ớt chuông. Với ứng dụng công nghệ điều khiển tưới thông minh kết nối với các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, độ pH,... để vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng phù hợp, ông Phú đã chủ động hơn về thời gian, chính xác hơn về quy trình, vừa tiết kiệm nhân công vừa nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Từ năm 2019-2021, UBND huyện Đơn Dương đã đầu tư trên 17 tỷ đồng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất. Tính đến nay, tổng diện tích hoa màu ứng dụng công nghệ cao của huyện Đơn Dương đạt hơn 11 nghìn ha, chiếm 94,3% diện tích đất canh tác toàn huyện, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 220 triệu đồng/ha/năm, giá trị thu nhập từ sản xuất hoa màu ứng dụng công nghệ cao đạt từ 250-300 triệu đồng/ha/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện đến cuối năm 2021 giảm xuống còn 0,16%, tương ứng với 39 hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc giảm xuống còn 0,34%, tương ứng với 22 hộ. Hiện 100% các thôn, xã của huyện Đơn Dương đều có điện lưới quốc gia; trên 80% trường đạt chuẩn quốc gia; 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 8/8 xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao...
Theo ông Dương Đức Đại, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, không những chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới được giữ vững mà nền kinh tế của huyện tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng cao, phương thức tổ chức sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh ngày càng được quan tâm và nhân rộng. Hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được quan tâm nâng cấp đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và kết nối giao thương sản phẩm nông nghiệp nội vùng, liên vùng. Trong đó, huyện Đơn Dương đặc biệt chú trọng tổ chức sản xuất theo hình thức trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác… liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ngày càng hiệu quả và nhân rộng trên địa bàn.
Tính đến cuối năm 2021, huyện đã thành lập mới 12 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã lên 28, trong đó có 19 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, huyện triển khai hỗ trợ 11 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng tổng số chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm toàn huyện lên 36 với các mặt hàng như rau, củ, quả, trái cây, củ năng, sữa tươi, cà phê, cây dược liệu… Đến nay, 100% hộ chăn nuôi bò sữa trong toàn huyện được ký kết hợp đồng tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu ổn định.
UNBD huyện Đơn Dương phấn đấu đến năm 2025 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh với các mục tiêu cụ thể gồm: 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bò sữa được ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, thu nhập bình quân theo đầu người đạt 120 triệu đồng/người/năm.
Có thể thấy, diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân đã thực sự thay đổi, góp phần đưa Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh trong tương lai không xa, xứng đáng trở thành điểm sáng của cả vùng Tây Nguyên trong xây dựng nông thôn mới.