Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, trên địa bàn Đồng Nai hiện có gần 1.200 doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ với khoảng 140.000 lao động lưu trú tại công ty. Trước đây cả doanh nghiệp và người lao động đều xác định việc thực hiện 3 tại chỗ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (dưới 1 tháng). Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian thực hiện 3 tại chỗ kéo dài, doanh nghiệp hết đơn hàng hoặc không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động, người lao động cũng mệt mỏi, muốn về với gia đình.
Hiện có 16 doanh nghiệp tại Đồng Nai muốn tạm dừng 3 tại chỗ, số lao động trở về là hơn 1.000 người. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục 3 tại chỗ nhưng có lao động muốn về nhà, doanh nghiệp muốn tiếp nhận thêm lao động từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa thể thực hiện những điều này, nguyên nhân do địa phương đang bảo vệ “vùng xanh”, hạn chế doanh nghiệp bổ sung lao động 3 tại chỗ cũng như không cho người lao động trở về địa phương.
Ông Lê Văn Danh chia sẻ: “Tại Đồng Nai đã xuất hiện tình trạng lao động 3 tại chỗ do không được về nên kích động, xung đột với bảo vệ, tìm cách trốn khỏi doanh nghiệp. Vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời có thể gây bất ổn về an ninh trật tự trong doanh nghiệp, ảnh hưởng chung đến tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp”.
Cũng theo ông Danh, mới đây, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các địa phương phối hợp giải quyết cho doanh nghiệp 3 tại chỗ bổ sung lao động, cho công nhân được về nhà. Trước khi về địa phương, người lao động phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19, sau đó phải phải tự theo dõi, cách ly tại nhà 14 ngày. Với vấn đề bổ sung lao động, doanh nghiệp cần ưu tiên tiếp nhận người đã tiêm vaccine phòng COVID-19, không nhận lao động ở vùng phong tỏa, cách ly y tế. Trước khi vào làm việc lao động phải sống ở vùng đệm (do doanh nghiệp lập ra) trong 3 ngày và xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, doanh nghiệp kiến nghị bổ sung lao động, tạm dừng 3 tại chỗ, cho công nhân về nhà là hợp lý. Bởi doanh nghiệp không còn đơn hàng, dừng sản xuất, họ không có lý do giữ công nhân ở lại. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện 3 tại chỗ gần 3 tháng, công nhân lưu trú tại doanh nghiệp quá lâu, họ muốn về lại nơi cư trú; nhiều lao động bên ngoài cũng muốn quay lại công ty làm việc để có thu nhập.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẳng định, tỉnh sẽ giải quyết cho lao động trở về nơi cư trú khi doanh nghiệp dừng 3 tại chỗ, cho phép doanh nghiệp bổ sung lao động. Tuy nhiên, khi thực hiện những điều này, doanh nghiệp phải có kế hoạch, thông báo trước với ngành chức năng, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đảm bảo việc người lao động trở về cũng như lao động mới vào công ty không làm lây lan dịch bệnh.
Ông Cao Tiến Dũng cho biết đã giao Sở Y tế Đồng Nai xây dựng quy trình, ban hành văn bản về việc dừng 3 tại chỗ, tiếp nhận lao động mới. Chỉ đạo các địa phương cũng chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận lao động trở về, đưa ra phương án hỗ trợ đối với những công nhân sau khi chấm dứt 3 tại chỗ thì không thể quay về phòng trọ.