Báo cáo đề dẫn, đại diện Ban tổ chức tọa đàm cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, không chỉ ở thị trường Việt Nam, mà cả thị trường xuất khẩu. Nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức trong sản xuất và tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn trong tương lai, bao gồm: Sản xuất đủ thực phẩm lành mạnh, an toàn và giá cả phải chăng; giảm ô nhiễm và phát thải từ sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ nguồn đất, nước, không khí, đa dạng sinh học.
Theo Ban tổ chức tọa đàm, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ và đã được phê duyệt tại Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án được xây dựng trên cơ sở từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Tại Đồng Nai, căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2020-2025; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng Kế hoạch 110-KH/TU ngày 31/12/2021 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch cũng đề ra những mục tiêu tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có 500ha cây ăn trái đạt chứng nhận hữu cơ; 630ha diện tích cây công nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ; 200ha rau đạt chứng nhận hữu cơ; có sản phẩm chăn nuôi hữu cơ như: heo, bò, gia cầm. Diện tích và sản lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt chứng nhận hữu cơ tiếp tục tăng lên, có loại đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi vào năm 2030.
Thực hiện đề án, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ ký kết hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, hai bên phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, thành viên Hội đồng Khoa học Công ty Cổ phần phân bón Bình Điển, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ, nhất là trong nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản. Nông nghiệp hữu cơ đã góp phần bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại, các vật tư đạt chuẩn. Mô hình này đang có xu hướng phát triển tại nhiều địa phương, nhưng để có sự bền vững, ổn định cần sự chung tay, góp sức của cả Nhà nước và nhà sản xuất.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 -2025 theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Đồng Nai. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh có 3,5 ha hồ tiêu đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ của Hợp tác xã Lâm San ở huyện Cẩm Mỹ. Toàn tỉnh có 600 hộ nông dân ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI (Tự ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học) vào sản xuất trồng trọt cho hơn 200 ha cây ăn trái, rau màu; hơn 100 hộ chăn nuôi, trang trại ứng dụng kỹ thuật trên để xử lý môi trường trong chăn nuôi.
Tọa đàm còn giới thiệu một số mô hình sản xuất hữu cơ tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ; các chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ; xu hướng của người tiêu dùng trong lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt với nông nghiệp hữu cơ; cơ hội thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các hợp tác xã, trang trại, nông dân nêu các ý kiến xung quanh các vấn đề về những thuận lợi, những kết quả thực sản xuất theo hướng hữu cơ trong thời gian qua, những hạn chế, khó khăn và đề xuất kiến nghị. Đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm đến danh mục, tiêu chuẩn vật tư đầu vào cho sản xuất hữu cơ; chính sách hỗ trợ cho nông dân, chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, trang trại khi đầu tư theo hướng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, thông qua tọa đàm này, Hội Nông dân tỉnh rất mong các lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm, phối hợp triển khai có hiệu quả kế hoạch 110-KH/TU ngày 31/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và tạo điều kiện cho hội viên, nông dân, các tổ hợp tác , hợp tác xã, các chi, tổ hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp chủ động tham gia vào các chương trình, đề án, đóng góp vào việc xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tinh trong thời gian tới.