Thu hoạch sản phẩm rau ăn lá tại Cơ sở sản xuất rau an toàn Thanh Hà ở thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội, chuyên sản xuất các loại rau ăn lá theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Tuy nhiên, trước những áp lực về sản lượng, giải quyết bài toán kinh tế, thu nhập cho người sản xuất đã làm cho quá trình phát triển nền nông nghiệp hữu cơ gặp không ít khó khăn. Do đó, để nông nghiệp hữu cơ có cơ hội phát triển hơn nữa, các mắt xích trong chuỗi sản xuất đều phải dần hoàn thiện mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất.
Bài 1: Nhiều mô hình hiệu quả
Đến nay, Việt Nam có 33 tỉnh, thành phố có sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Mặc dù, đi sau so với nhiều quốc gia trên thế giới về các sản phẩm hữu cơ, nhưng với sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp cũng như nông dân, đã đưa Việt Nam vào danh sách 170 quốc gia tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Ngành trồng trọt vươn ra thị trường thế giới Đến thời điểm này, nhiều loại sản phẩm cây trồng hữu cơ đã chính thức đặt chân đến nhiều thị trường thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… như gạo Hoa Sữa của Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food (Cà Mau); lúa gạo với thương hiệu Tâm Việt của anh Võ Văn Tiếng ở tỉnh Đồng Tháp. Những thành tựu này đạt được một phần là nhờ vào sự cầu tiến của nông dân, đồng thời là tâm huyết lớn của các doanh nghiệp.
Theo anh Võ Văn Tiếng, nông dân sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, lúc khởi đầu sản xuất lúa hữu cơ anh gặp không ít khó khăn về vốn. Để có thể mở rộng diện tích sản xuất lên 10 ha, anh vừa sử dụng đất nhà, vừa nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương liên kết với các hộ nông dân khác để sản xuất. Nhưng sau thời gian nỗ lực, đã cho ra thương hiệu gạo hữu cơ Tâm Việt, được thị trường đón nhận. Với mỗi ha lúa hữu cơ, cho năng suất hơn 4 tấn/vụ, dù thấp hơn hơn cách sản xuất thông thường, nhưng lợi nhuận thu được hơn 18 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa thông thường 8 triệu đồng/ha.
Đồng thời, trên ruộng lúa hữu cơ, nông dân có thêm thu nhập từ việc chăn nuôi vịt, cá, hoa màu mà không mất chi phí thức ăn. Trong thời gian tới, anh Tiếng sẽ đưa sản phẩm gạo hữu cơ Tâm Việt ra thị trường thế giới theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, cũng phải kể đến những doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như Ecotiger (Tp.HCM) và Công ty TNHH Nghiên cứu sản xuất và cung ứng nông sản Viorsa (Tp.HCM) cũng tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất hữu cơ này.
Theo ông Anthony Tô Hiển, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xây dựng Ecotiger, công ty đã liên kết cùng nông dân sản xuất hữu cơ theo mô hình tôm - lúa tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu với năng suất hơn 4 tấn/ha, không có sự chênh lệch nhiều so với phương thức sản xuất lúa thông thường.
Cho đến nay, doanh nghiệp thu mua lúa hữu cơ cao hơn lúa canh tác thông thường 55%, giúp người sản xuất tăng lợi nhuận so với lúa thông thường gần 10 triệu đồng/ha. Sản phẩm gạo hữu cơ nông dân liên kết với Ecotiger đã nhận được các chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của Mỹ (USDA), châu Âu (EU) và Nhật Bản (JAS).
Một hiệu quả nữa là chi phí sản xuất lúa hữu cơ giảm hơn so với canh tác thông thường, bởi vì nông dân không mất chi phí nhiều vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Qua quá trình khảo sát, chi phí cho 1 ha lúa hữu cơ mất 13 triệu đồng; còn đối với canh tác 1 ha lúa vô cơ là 14 triệu đồng. Như vậy, với việc giảm chi phí sản xuất, cho dù giá bán lúa hữu cơ ngang với lúa thông thường thì nông dân vẫn có lãi.
Nhiều sản phẩm chăn nuôi an toàn Nông dân tỉnh Thái Nguyên thăm quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở xã Tân Đức, huyện Phú Bình. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Bên cạnh các sản phẩm trồng trọt đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của các tổ chức quốc tế, thời gian qua, các sản phẩm của ngành chăn nuôi như vịt, lợn thịt, bò sữa, tôm… đang được tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Điển hình như Tập đoàn TH, hiện đang vận hành trang trại bò sữa hữu cơ với số lượng 1.000 con. Để có đủ nguồn thức ăn cho đàn bò, Tập đoàn TH đã đầu tư cánh đồng cỏ và ngô hữu cơ hơn 300 ha tại tỉnh Nghệ An. Đây là một bước tiến vượt bậc của ngành chăn nuôi bò sữa trong nước, đồng thời cũng là động lực phát triển đàn bò cả nước theo hướng hữu cơ, tăng thu nhập cho người chăn nuôi bò, giảm chi phí sản xuất và có thể duy trì đàn bò ổn định.
Cà Mau là một trong 33 tỉnh tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn trên cả nước, sản phẩm chủ lực là con tôm hữu cơ. Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp liên kết sản xuất hữu cơ trên diện tích 20.000 ha, với 4.000 hộ nuôi; trong đó, tôm hữu cơ có sản lượng từ 8.000 - 9.000 tấn/năm. Tuy nhiên, việc sản xuất theo hướng hữu cơ hiện đang gặp khó khăn do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chi phí thực hành lại cao, mà thị trường lại hạn hẹp.
Ông Peter Niedermeier, Tập đoàn Binca seafoods GmbH Germany, liên kết sản xuất tôm hữu cơ với nông dân Cà Mau chia sẻ: "Sản phẩm hữu cơ trước hết phải thân thiện với môi trường, xã hội và với người tiêu dùng. Hãy cho người tiêu dùng một cơ hội lựa chọn thông qua quá trình truyền thông quảng bá chứ không đơn giản là chào bán một cách bình thường. Chúng ta phải chứng minh cho người tiêu dùng thấy được họ sử dụng sản phẩm đó có nguồn gốc sản xuất như thế nào ? Tốt cho sức khoẻ của họ ra sao ? Nó là một quá trình lâu dài, vất vả, không hề đơn giản cho nhà sản xuất".
Cũng theo ông Peter Niedermeier, Cà Mau có diện tích nuôi tôm dưới tán rừng đã được chứng nhận organic và giá trị tăng thêm cho người dân tham gia thực hiện mô hình này là 5%. Sản phẩm đạt chứng nhận tôm sinh thái đó đang được người tiêu dùng khó tính như Mỹ, EU chấp nhận sử dụng với giá cao. Rõ ràng đây là một thông điệp tốt cho con tôm Cà Mau. Qua đó có thể thấy được, dù mới chỉ phát triển sản xuất hữu cơ thông qua những mô hình, nhưng đã cho nền nông nghiệp hữu cơ một kết quả vượt trội, tạo con đường đi vững chắc của nông nghiệp hữu cơ.
Bài 2: Vẫn còn lỗ hổng