Tại lễ thả cá, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai không có biển, nhưng được thiên nhiên ưu đãi về nguồn lợi thủy sinh vật đa dạng trên các lưu vực sông, hồ chứa với nhiều loài có giá trị khoa học, giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Lâm Sinh, tình trạng khai thác quá mức đã và đang làm cho nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển ngành thủy sản và bảo tồn, đa dạng sinh học, bên cạnh đó, tình trạng khai thác sử dụng các nghề, ngư cụ mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản còn nhiều; việc lưu hành, sử dụng những ngư cụ này khá phức tạp gây khó khăn trong công tác quản lý đặc biệt là chất độc, xung điện. Chính vì vậy, việc bảo vệ, bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản càng cấp bách và cần được quan tâm.
"Hoạt động thủy sản phải chịu tác động trực tiếp bởi môi trường tự nhiên và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Chất lượng nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực, thành phần loài thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài cá trước đây hiện diện phổ biến trên lưu vực sông Đồng Nai hiện nay rất hiếm gặp như cá sơn đài, cá may, cá cóc đậm, các loài cá trèn; một số loài thủy sản nước ngọt đặc hữu có giá trị kinh tế, khoa học tại khu vực sông Đồng Nai như tôm càng xanh, cá vồ đém, cá chạch lấu, cá bống tượng, cá lăng nha, cá thát lát cườm ngày càng suy giảm nghiêm trọng do hoạt động khai thác, đánh bắt không hợp lý làm phá vỡ cân bằng loài tự nhiên", ông Trần Lâm Sinh chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ngày 11/6/2021, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch số 6519/KH-UBND về triển khai thực hiện các quy định cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc; nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, trên hành trình bảo vệ bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học cũng như bảo vệ sự sống theo quan điểm của đạo Phật mà trước mắt là thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Nai phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện kế hoạch thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản đợt 2 năm 2023 với số lượng 307.000 cá thể giống thủy sản bản địa, loài có giá trị khoa học và giá trị kinh tế như: tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá vồ đém, cá bống tượng, cá thát lát cườm, cá lăng nha và sự tham gia của các tăng, ni, phật tử Chùa Vạn Đức hơn 5 tấn cá các loại; Sau đó, ngày 25/8/2023, tiếp tục thả 260.000 cá thể giống tôm sú, cua biển và cá chẽm tại Nhơn Trạch.
"Thông qua hoạt động lần này càng làm sâu sắc hơn nội dung, ý nghĩa tinh thần phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, gắn kết việc làm thiết thực, nhân văn của Phật giáo với nhiệm vụ chính trị của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì mục tiêu phát triển nền nông nghiệp ổn định, bền vững", ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.