Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững. Các công ty, thương lái thực hiện liên kết tiêu thụ theo mô hình sản xuất quy mô lớn; tăng cường hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp; trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.
Nội dung liên kết chủ yếu là cung ứng vật tư phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa giữa các hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp; liên kết tạo vùng nguyên liệu tập trung để cung ứng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến gạo xuất khẩu.
Điển hình là mô hình liên kết của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II, huyện Tháp Mười. Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II cho biết, hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất từ đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm đầu ra với Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Cửu Long Seed với diện tích hằng năm trên 1.000 ha; liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam với diện tích trên 900ha/năm.
Nông dân tham gia sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm được công ty thu mua lúa cao hơn từ 900 - 1.000 đồng/kg so với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Nông dân tham gia mô hình thực hiện cơ giới hóa toàn diện từ khâu xuống giống, chăm sóc đến khâu thu hoạch; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến; tạo được vùng nguyên liệu cho công ty tiêu thụ lúa. Quá đó, lợi nhuận thu được từ liên kết cao hơn so với diện tích sản xuất lúa không liên kết.
Hợp tác xã Nông nghiệp ở thành phố Hồng Ngự trong vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu năm 2022 đã hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với các công ty được hơn 1.300 ha. Việc liên kết chủ yếu thực hiện sản xuất, tiêu thụ lúa với Công ty TNHH Highland Dragon - Chi nhánh Long An; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang – Angimex; Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Nhờ liên kết tiêu thụ lúa, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn 3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành nông nghiệp chịu nhiều biến động do dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh khó khăn đó, ngành đã phát huy lợi thế sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết với các hệ thống phân phối lớn trong nước để tiêu thụ lúa. Bà con mạnh dạn áp dụng cơ giới hoá, những cách làm mới, nhằm thay đổi phương thức sản xuất. Bà con thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM)..., hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ lúa bền vững.
Từ mô hình liên kết sản xuất lúa ở tỉnh Đồng Tháp, nông dân đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá, tạo điều kiện chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp và điều quan trọng nhất là nông dân bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao.
Tỉnh Đồng Tháp từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh kết nối hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân, bảo đảm chất lượng nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường.