Nâng cao chất lượng, tăng về số lượng
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Văn Hòa - Phó Trưởng ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bạc Liêu: Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện phong trào theo phương châm chú trọng nâng cao chất lượng, đi đôi với tăng về số lượng. Công tác chỉ đạo luôn được quan tâm sâu sát, kịp thời, nhất quán từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên để bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất gắn với việc phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức thành viên Ban chỉ đạo các cấp…
Từ năm 2000 – 2020, Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức bình xét, công nhận gần 200.000 gia đình văn hóa, đạt hơn 93% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Một số mô hình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tiêu biểu như: “Trồng dưa hấu trên đất ruộng” ở ấp 12, xã Phong Thạnh Đông, thị xã Giá Rai; “Xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu” tại thành phố Bạc Liêu; “Hiến đất xây dựng Nhà văn hóa ấp” ở huyện Đông Hải; “Trồng cây xanh; Làm bờ kè” ở huyện Phước Long... Ngoài ra, 100% ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa; 29/49 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 11/15 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 518/518 khu dân cư tiên tiến; có 710/814 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xây dựng được 437 nhà văn hóa ấp…
Thành phố Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi và huyện Hồng Dân… là các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tại xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu), gia đình ông Sơn Sua là gia đình văn hóa tiêu biểu trong đồng bào Khmer; không chỉ lao động, sản xuất giỏi mà còn là “hạt nhân” trong công tác tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Sơn Sua chia sẻ: Ông và các thành viên trong gia đình đã cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như hiến đất xây nhà văn hóa, giúp đỡ hộ nghèo, giữ gìn an ninh trật tự…
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) - bà Thị Chành Đa, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn xã đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Hàng năm, hơn 95% hộ Khmer đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”; nhiều gia đình, cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện an sinh xã hội, hiến đất xây dựng các công trình dân sinh… Điển hình như hộ ông Danh Đuông đã hiến hàng trăm mét đất, góp ngày công lao động, vật tư để xây dựng đường giao thông nông thôn; vận động đồng bào dân tộc tích cực bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, hoa kiểng làm đẹp cảnh quan nông thôn; đóng góp kinh phí tu bổ chùa Khmer…
Hưng Hội là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất tại huyện Vĩnh Lợi, chiếm trên 67% dân số toàn xã. Hộ anh Thạch Sáu (ấp Đay Tà Ny) là một trong những hộ đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo và thực hiện tốt các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa. Theo anh Thạch Sáu, 3 năm trước, gia đình anh rất khó khăn, làm thuê quanh năm vẫn không đủ sống. Nhờ chính quyền quan tâm, giúp anh tiếp cận các nguồn vốn vay nên anh có tiền thuê đất làm ruộng và đầu tư trồng trọt; quan tâm hỗ trợ xây nhà tình thương, giúp gia đình anh yên tâm lao động sản xuất, có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, từ nay đến năm 2025, Bạc Liêu phấn đấu trên 98% số gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% ấp, khóm được công nhận và giữ vững danh hiệu; 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học… đạt chuẩn và duy trì danh hiệu văn hóa; 50% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; thu hút 60% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; 95% số xã có thiết chế văn hóa thể thao; 95% số ấp của xã có nhà văn hóa và sân thể thao; phát huy các chức năng, hoạt động có chất lượng, hiệu quả, thiết thực các thiết chế văn hóa đã được xây dựng.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bạc Liêu tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đưa nội dung này vào Nghị quyết, chương trình công tác và kế hoạch chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tỉnh tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về vai trò của văn hóa, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa; phát động và tổ chức tốt phong trào thi đua; khuyến khích mọi cá nhân, gia đình, cộng đồng, tập thể thực hiện phong trào.
Tỉnh cũng tăng mức đầu tư, hỗ trợ, bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp; kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ, khen thưởng các cá nhân, gia đình, tập thể có thành tích xuất sắc; khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở xã hội hóa về lĩnh vực văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí ở nông thôn.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng tổ chức triển khai phong trào cho đội ngũ cán bộ ở cấp huyện và cơ sở; xây dựng và tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu, sáng kiến, đánh giá tổng kết, điều tra xã hội học về hiệu quả của phong trào; xây dựng chuyên đề trên trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang - Trưởng ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, để phong trào có bước phát triển, chính quyền địa phương cần có kế hoạch, quy hoạch dành quỹ đất và ngân sách để xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là vùng nông thôn; thiết chế văn hóa thể thao phục vụ công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác điều hành, chỉ đạo việc thực hiện phong trào; phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức đánh giá kết quả tại địa phương mình và triển khai sâu rộng phong trào; phê phán, xử lý những hành vi, hoạt động làm hạn chế đến phong trào…