Theo đó, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên năm 2019 xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 40 bậc so với năm 2016, nằm trong tốp đầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 80%. Chất lượng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hồ sơ trả đúng hẹn đạt 99,44%. Toàn bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tiến hành kiện toàn bộ phận một cửa và ban hành quy chế hoạt động theo quy định; 100% thủ tục hành chính được tổ chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết tại bộ phận một cửa các cấp. Hàng nghìn thủ tục hành chính được đơn giản hóa, chuẩn hóa.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh Thái Nguyên đã tích hợp, kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, các thủ tục hành chính được cập nhật đầy đủ, kịp thời trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính của Chính phủ. Hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đã cung cấp 677 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, 100% thủ tục hành chính được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng nỗ lực cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Hiện toàn tỉnh đã có 20/20 sở, ngành xây dựng Đề án sắp xếp tinh gọn lại bộ máy và đã có 3 sở thực hiện; sắp xếp giảm 100 đơn vị sự nghiệp công lập từ 902 xuống còn 802 đơn vị (so với năm 2015); 100% đơn vị được giao quyền tự chủ về tài chính. Toàn tỉnh đã giảm được 2.005 biên chế, đảm bảo đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được quan tâm; công tác cải cách tài chính công được đẩy mạnh.
Để đạt được những kết quả trên, giai đoạn 2011- 2020 tỉnh Thái Nguyên đã tích cực xây dựng, ban hành các đề án, chương trình cải cách hành chính, huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực trong tham mưu, thực hiện chuyên môn; thực hiện đánh giá chỉ số cải cách hành chính hằng năm, đánh giá sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân, nhân dân đối với các cơ quan, tổ chức cung cấp, giải quyết các thủ tục hành chính.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai áp dụng thực tiễn các mô hình, sáng kiến hay, giải pháp hiệu quả như: Sáng kiến "Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý", "Hỗ trợ kinh phí khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp tại các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên", "Xây dựng phần mềm xác định chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên"... đạt hiệu quả cao, tác động mạnh mẽ đến quá trình xây dựng nền hành chính phục vụ, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Đức Lực, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021- 2030, tỉnh Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, từ cải cách thể chế; sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đặc biệt là hiện đại hóa hành chính, đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử, triển khai xây dựng đô thị thông minh.
Tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và một cửa điện tử tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, phục vụ tổ chức, công dân tốt hơn. Đặc biệt, tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ, có đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ, vì nền hành chính phục vụ.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung thực hiện chính quyền điện tử, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đưa tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết đúng hạn; mức độ hài lòng sự phục vụ cơ quan hành chính bình quân đạt trên 90%... Phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính.