Theo kế hoạch, Ninh Thuận sẽ dành trên 9,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn sự nghiệp nông thôn mới triển khai các nội dung hỗ trợ, bao gồm: nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước với tổng diện tích gần 245 ha với kinh phí thực hiện trên 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi gần 100 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng tiết kiệm nước như nho, táo, cây trồng cạn gắn với đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm với kinh phí gần 294 triệu đồng.
Đồng thời, tỉnh dành trên 885 triệu đồng hỗ trợ các chương trình phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; trong đó sẽ hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết 3 hợp tác xã, tập huấn, hỗ trợ giống, hỗ trợ vật tư thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ về bao bì, nhãn mác. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ 5 dự án trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với số tiền 3,1 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, các nội dung hỗ trợ trên được thực hiện theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND, Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND, Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Chính sách hỗ trợ bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để tạo động lực cho cơ sở sản xuất, cá nhân, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng cao; chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cây ăn quả, để ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Sự hỗ trợ của nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ một phần, phần còn lại do các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi tự đầu tư. Chính sách hỗ trợ được thực hiện theo kế hoạch hàng năm và giao cho các địa phương thực hiện trên cơ sở cân đối nguồn lực, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể để triển khai thực hiện.
Để thực hiện kế hoạch đề ra, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với với các sở, ngành, địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện chương trình một cách đồng bộ, hiệu quả. Các địa phương, cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn biết, tham gia; vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký, ký cam kết đối chuyển đổi lâu dài diện tích lúa nước kém hiệu quả sang cây nho, cây táo, cây trồng cạn. Đồng thời, các đơn vị kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách ở địa phương, trường hợp phát hiện đối tượng lợi dụng chính sách phải báo cáo cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhiều chương trình hỗ trợ có bước chuyển biến mạnh mẽ, đi vào chiều sâu góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Qua đánh giá, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, nổi bật là các hoạt động nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào phục vụ sản xuất đã mang lại nhiều kết quả tốt, nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường.
Tính riêng trong năm 2021, các đơn vị chức năng của tỉnh Ninh Thuận đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất các loại nho, táo, nha đam, măng tây… với tổng diện tích gần 170 ha; chuyển giao kỹ thuật cho hơn 600 hộ dân thực hiện dự án trồng rau thủy canh; sử dụng màng bao gói bảo quản một số loại rau quả; ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng; công nghệ sinh học, vi sinh; công nghệ sản xuất nông nghiệp không dùng đất; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm; công nghệ máy móc, tự động hóa trong sản xuất. Từ các mô hình này, đã giúp người nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.