Tính đến 31/8/2022, dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể trên toàn tỉnh Yên Bái đạt trên 4.001 tỷ đồng, cho 448.463 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi.
Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách tỉnh Yên Bái nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và nhanh chóng từng bước thoát nghèo.
Nhiều bài học từ thực tiễn đã cho ra những cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả trong sử dụng vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, khơi dậy tiềm năng, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới và giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 3 đến 4%.
Nhận xét về Chương trình tín dụng này trên địa bàn Yên Bái, ông Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái cho biết, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái đánh giá rất cao và nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế địa phương.
Đánh giá về tác động trực tiếp đến người dân, ông Long cho biết thêm, không chỉ đơn thuần là một chính sách tín dụng ưu đãi mà qua đây còn tạo cơ hội cho người nghèo, các đối tượng chính sách trang bị kiến thức, phát triển bản thân.
Bên cạnh đó, tạo động lực, thúc đẩy người dân lập nghiệp, tùy thuộc vào khả năng mà đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn cho các mô hình phát triển kinh tế phù hợp.
Đặc biệt, khắc phục và xóa dần tính trông chở ỷ lại của người dân vùng cao vào sự trợ cấp của Nhà nước.
Với 17 chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã xây dựng mạng lưới làm công tác cho vay ủy thác đã phủ khắp 100% thôn, bản trong toàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, sự hạn chế trong nhận thức, hiểu biết về thủ tục và chính sách tín dụng là rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đối với người dân vùng cao.
Do vậy, khắc phục hạn chế này, mạng lưới 2.322 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản toàn tỉnh Yên Bái ra đời đã đảm nhận toàn bộ nghiệp vụ của ngân hàng trực tiếp với người dân.
Đáng lưu ý, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện đều có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.
Ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn có cán bộ tín dụng phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trực tiếp kiểm tra việc sử dụng vốn vay tới từng hộ gia đình.
Mặt khác, hướng dẫn, thẩm định và giải ngân theo quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh của các hộ dân, đảm bảo nhanh chóng, đúng chế độ, đúng đối tượng.
Đây chính là cánh tay nối dài, chuyển tải chính sách của Chính phủ tới người dân vùng sâu, vùng xa.
Thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái cho thấy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người nghèo vùng cao đầu tư chăm sóc, cải tạo, trồng mới được 230.950 ha rừng keo, quế, bồ đề; 12.553 ha chè; 4.415 ha cây ăn quả; mua 166.595 con trâu, bò; làm mới và cải tạo 74.204 công trình nước sạch, 72.705 công trình vệ sinh.
Đặc biệt, đã giúp cho 40.992 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập, hỗ trợ 9.165 hộ nghèo được làm nhà ở, tạo thêm 26.955 việc làm mới cho người lao động.
Để bảo toàn tốt nguồn vốn, phát huy tác dụng nhiều mặt của nguồn vốn vay ưu đãi, nhất là đảm bảo mục tiêu làm tốt an sinh xã hội trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ làm tín dụng tại cơ sở; trong đó, đặc biệt quan tâm, bồi dưỡng nghiệp vụ lựa chọn đối tượng cho vay, thẩm định, hướng dẫn, giám sát mục đích sử dụng vốn vay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã đề ra một loạt các giải pháp, như: cải cách thủ tục và rút ngắn thời gian làm thủ tục cho vay; đồng bộ các chương trình cho vay, đa dạng kênh dẫn vốn; cập nhật và giải ngân kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi; nâng hạn mức tín dụng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đồng thời, nắm bắt nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của người dân và cơ sở để đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền bổ sung, chỉnh sửa về cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tế.