Gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị hóa nông thôn

Năm 2022, tỉnh Nghệ An phấn đấu có thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Một góc xã nông thôn mới Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, quy định cụ thể đối với các nhóm xã phù hợp với điều kiện đặc thù, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mức chuẩn các xã nông thôn mới không thấp hơn so với quy định của Trung ương. Cùng với đó, tỉnh gắn xây dựng nông thôn mới với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Quý I/2022, dù ảnh hưởng dịch bệnh, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tích cực triển khai các nội dung xây dựng nông thôn mới, tập trung phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới năm 2022.

Kết quả ghi nhận huyện Quỳnh Lưu đã hoàn thành hồ sơ đạt chuẩn nông thôn mới trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương thẩm định; thị xã Hoàng Mai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 299/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 6 đơn vị cấp huyện có quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về nguồn vốn và khó khăn khác khi thực hiện các tiêu chí liên quan đến nông thôn mới, một số địa phương trong tỉnh đã có những cách làm, vận dụng sáng tạo các nội dung phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương để tháo gỡ khó khăn.

Đơn cử, trong vấn đề quy hoạch, một số xã trên địa bàn tại huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức công bố, công khai, niêm yết bản đồ quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại trung tâm xã và tại nhà văn hóa các thôn, xóm để người dân biết và thực hiện, gắn với đó lập kế hoạch và tổ chức cắm mốc thực địa theo quy hoạch.

Huyện Quỳnh Lưu thành lập Ban chỉ đạo của huyện do Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, thường xuyên kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Ban chỉ đạo của huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thưởng cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới phù hợp với thực tế tại địa phương…

Song song đó, địa phương chú trọng việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao sau đạt chuẩn để đảm bảo phát triển bền vững.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Trà Vinh có thêm một huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Trà Vinh có thêm một huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 29/3, tỉnh Trà Vinh tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là đơn vị cấp huyện thứ 6 trong số 9 huyện của tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN