Giải ngân vốn đầu tư công An Giang thấp nhất vùng ĐBSCL

Bảy tháng năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công của An Giang chỉ đạt 24,96%, thấp nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. 

Đây là thông tin được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ông Nguyễn Thanh Bình đưa ra tại “Hội nghị đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2022”, do UBND tỉnh An Giang tổ chức sáng ngày 22/8.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, năm 2022, kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 5.267 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách Trung ương trên 1.7 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương trên 3.499 tỷ đồng. Giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm 2022 của An Giang đạt thấp so với yêu cầu, khi chỉ giải ngân được hơn 1.632 tỷ đồng, đạt 24,96 % kế hoạch vốn đã giao.

So với cùng kỳ 2021, tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm 2022 cao hơn 6,24% (cùng kỳ năm 2021 là 18,72%). Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2019, 2020 (cùng kỳ năm 2019 là 43,07%, năm 2020 là 45,77%).

Năm 2022, trong 41 chủ đầu tư có sử dụng các kế hoạch vốn, có 10 chủ đầu tư gồm 7 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 3 huyện, thị, thành có tỷ lệ giải ngân cao hơn 24,96%. Riêng 31 chủ đầu tư còn lại gồm 23 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 8 huyện, thị, thành có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 24,96%. 

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, tỷ lệ giải ngân thấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân như khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là nút thắt lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cần giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực giao thông và nông nghiệp có kế hoạch vốn lớn.

Điển hình một số dự án: Nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang qua khu vực tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang; Dự án Kiểm soát lũ vùng Tây Sông Hậu; Kè chống sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ thành phố Long Xuyên... 

Bên cạnh đó, còn một số dự án chưa đẩy nhanh tiến độ thi công như: Đầu tư xây dựng Cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung tỉnh An Giang; nâng cấp đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ cầu Tầm Bót đến đường Phạm Cự Lương); nâng cấp, cải tạo tuyến đường Đông Rạch Giá - Long Xuyên; nâng cấp, cải tạo tuyến đường Tây Bờ Ao... 

Đặc biệt, các nhà thầu tổ chức thực hiện thi công chưa đạt yêu cầu đề ra, nguyên nhân là giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng phương án tài chính của các nhà thầu. 

Với mục tiêu phấn đấu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm 2022, ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang cho biết, tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án theo như biên bản đã cam kết. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cũng là tiêu chí xem xét đánh giá, đề xuất khen thưởng đối với các chủ đầu tư hoàn thành tốt kế hoạch vốn được giao và phê bình, rút kinh nghiệm đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp trong năm 2022.

Tổ công tác xử lý khó khăn vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng sẽ tập trung giải phóng mặt bằng cho từng dự án. Tỉnh cũng siết chặt tiến độ và giải ngân vốn, từng chủ đầu tư làm việc và có biên bản với nhà thầu đề nghị nhà thầu cam kết về tiến độ cũng như đảm bảo nhân lực, thiết bị thi công, vật tư phải đảm bảo đúng hợp đồng theo biên bản cam kết, ông Tâm báo cáo tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng. Sau nhiều năm An Giang đứng trong tốp đầu về giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên 2 năm gần đây, tỷ lệ giải ngân của An Giang lại khá thấp.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, tỷ lệ giải ngân 7 tháng của năm 2022 của An Giang mới đạt 24,96% thấp hơn bình quân cả nước (34,35%) và thấp nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ nay đến cuối năm, An Giang sẽ tổ chức hội nghị đánh giá hàng tháng về kết quả giải ngân để thấy quyết tâm chính trị, trách nhiệm của người đứng đầu từng sở, ngành, địa phương; có biểu dương đơn vị làm tốt và phê bình đơn vị còn lơ là, thiếu trách nhiệm. Đối với những đơn vị, địa phương chậm triển khai dự án, tỉnh kiên quyết thu hồi hoặc điều chuyển vốn, đồng thời không bố trí vốn cho năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu chậm nhất đến cuối tháng 8/2022, các chủ đầu tư phải có báo cáo cụ thể về kết quả giải ngân, kèm theo kế hoạch và chỉ tiêu giải ngân từng tháng, chỉ tiêu đến 31/1/2023 (kết thúc kỳ vốn năm 2022).

Các chủ đầu tư, nhà thầu cần tăng cường trách nhiệm, phối hợp trong triển khai đầu tư công, rà soát từng khâu để tập trung giải quyết vướng mắc, coi đây là tiêu chí quan trọng xét thi đua cuối năm.

Bài, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
Sớm hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn
Sớm hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 259/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 còn lại chưa phân bổ, chưa giao chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN