Các đơn vị chức năng, chính quyền các địa phương và người dân trong tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, sẵn sàng ứng phó hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do mưa bão gây ra.
Nhà máy Thuỷ điện sông Ba Hạ (huyện Sơn Hòa) có công suất 220MV, đây là công trình thủy điện cuối cùng trên bậc thang hệ thống thủy điện dọc lưu vực Sông Ba. Mùa mưa lũ hàng năm công trình thường chịu áp lực rất lớn trong việc đảm bảo an toàn hồ chứa do sức ép xả lũ từ các nhà máy thuỷ điện trên thượng nguồn.
Ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thuỷ điện Sông Ba Hạ cho biết, đảm bảo an toàn cho hồ chứa và giảm thấp nhất tổn thất cho hạ du là ưu tiên hàng đầu của công ty mỗi khi bước vào mùa mưa lũ.
Ngoài việc vận hành xả lũ đảm bảo an toàn hồ đập theo đúng quy trình, công ty đã lắp đặt 11 trạm cảnh báo xả lũ sớm trên lưu vực sông Ba qua các xã có đông dân cư Đức Bình Tây, Đức Bình Đông, Sơn Giang (huyện Sông Hinh); Sơn Hà, thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa). Hệ thống cảnh báo xả lũ tại các nhà máy, hồ chứa giúp đưa thông tin nhanh đến người dân trước khi các công trình vận hành phát điện, xả lũ, để người dân chủ động, giảm thiểu những thiệt hại khi có xả lũ hay thiên tai xảy ra.
Tại công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm, công trình có dung tích chứa lớn nhất tỉnh Phú Yên (34,8 triệu m3) với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đang được xây dựng tại hai xã Hòa Thịnh và Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa. Đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của công trình đã cơ bản hoàn thiện (đường ống dẫn nước, tràn xã lũ đạt 96% khối lượng). Ban Quản lý Dự án thủy lợi 5 và đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục đập đất chặn dòng đảm bảo được tiến độ, an toàn trong mùa mưa, bão năm nay.
Theo ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Hòa, công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ riêng huyện Tây Hòa mà của cả tỉnh. Công trình đang trong giai đoạn thi công chưa hoàn thiện nên mối lo mất an toàn trong mùa mưa bão là rất lớn. Theo chu kỳ, mùa mưa lũ hàng năm mực nước tại khu vực xây dựng hồ chứa nước Mỹ Lâm thường dâng cao từ 8-10m, năm nào cao nhất khoảng 12-15m, với tiến độ hiện tại, đập chặn dòng hồ Mỹ Lâm đã đắp được gần 17m cơ bản đảm bảo an toàn trong mùa mưa.
Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, huyện đã chủ động phối hợp với chủ đầu tư dự án triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình, sơ tán công nhân, di dời máy móc, phương tiện tập kết ở khu vực an toàn khi trên địa bàn xảy ra mưa lớn, có thể gây ngập úng, lũ.
Phú Yên hiện có 160 công trình thủy lợi; trong đó, có 51 hồ chứa nước, 115 đập dâng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy nông Đồng Cam quản lý vận hành hệ thống 7 hồ chứa thủy lợi trong đó có 3 hồ có dung tích trên 10 triệu m3 gồm hồ Phú Xuân (huyện Đồng Xuân), hồ Đồng Tròn (huyện Tuy An) và hồ Suối Vực (huyện Sơn Hòa).
Theo ông Nguyễn Minh Huệ, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy nông Đồng Cam, các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý được xây dựng hệ thống xả lũ bằng hình thức xả sâu, kết hợp lắp đặt nhiều bộ cảnh báo lũ ở khu vực hạ lưu, nơi có đông dân cư sinh sống. Trước mùa mưa bão, công ty đã đầu tư sửa chữa, khắc phục toàn bộ những sự cố, hư hỏng cũng như các trang thiết bị để các công trình hoạt động vận hành an toàn trong mùa mưa bão.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên, từ nay đến cuối năm 2020, dự báo tỉnh Phú Yên có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Tổng lượng mưa trung bình tại tỉnh cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 10-30%, khu vực ven biển phổ biến từ 1.500mm-2.000mm, vùng núi từ 1.400mm-1.800mm. Đỉnh lũ năm 2020 trên các sông ở Phú Yên có khả năng cao hơn năm 2019, ở mức báo động 2, báo động 3. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết thủy văn mùa mưa, bão ở Phú Yên có thể xuất hiện những yếu tố dị thường gây thiệt khó lường về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, tình hình mưa lũ trong năm 2020 đang diễn biến rất phức tạp và đối với Phú Yên ảnh hưởng mưa bão thường tập trung vào thời điểm những tháng cuối năm. Trong phương án ứng phó với mưa bão, tỉnh chú trọng đến việc cập nhập lại quy trình liên hồ chứa, kế hoạch điều tiết nước trên các hồ và sông Ba một cách linh hoạt để vừa giữ được nước sản xuất, phát điện và đảm an toàn vùng hạ du trong mùa mưa bão.
Ngoài ra, Phú Yên cũng đã xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ lưu sông Ba, xác định được vùng ngập lụt và lên phương án chủ động phòng chống lũ, nhất là khi các công trình thủy điện xã lũ trong thời điểm thủy triều lên.
Đối với các địa phương ven biển thường bị đe dọa bởi triều cường, sạt lở bờ biển trong mùa mưa bão tỉnh đã chuẩn bị kịch bản ứng phó, di dời người dân đến các nơi an toàn. Đặc biệt, tại các địa phương bị sạt lở nặng trong các năm trước như xã An Chấn, huyện Tuy An, xã An Hải, thị xã Sông Cầu, khu vực xóm rớ, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, từ nguồn ngân sách của tỉnh và hỗ trợ của trung ương tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống kè biển kiên cố giúp người dân ổn định đời sống, sản xuất.