Vụ Xuân năm 2021, huyện Thanh Liêm triển khai mô hình mạ khay, cấy máy với diện tích hơn 40 ha. Với những lợi ích mang lại, vụ Xuân 2023, diện tích lúa cấy bằng máy của huyện đã tăng lên gần 2.300 ha, chiếm hơn 40% tổng diện tích gieo cấy.
Bà Trần Thị Quyên, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm cho biết, gia đình bà cấy gần 1 mẫu ruộng, qua 3 vụ áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy thấy rằng, không mất nhiều công chăm sóc, không phải sử dụng thuốc diệt cỏ mà lúa cỏ, lúa ma không thấy xuất hiện, chi phí sản xuất giảm được gần 200.000 đồng/sào. Trước đây, áp dụng phương pháp gieo sạ tuy có nhanh nhưng mất rất nhiều công tỉa dặm và tốn nhiều tiền mua thuốc diệt cỏ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Thanh Liêm cho biết, toàn huyện đã thành lập 12 tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy, với 22 chiếc chạy bằng động cơ công suất lớn. Ngoài ra, người dân các địa phương đã chủ động mua 1 máy cấy thủ công cầm tay, việc áp dụng mô hình cấy máy đã góp phần phần giải quyết được tình trạng lúa cỏ, lúa ma; giảm 50% lượng hạt giống lúa so với gieo sạ bằng tay, lúa được gieo cấy đúng kỹ thuật nên cho năng suất cao.
Vụ Xuân 2023, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy lên hơn 100 ha, chiếm hơn % tổng diện tích gieo cấy. Hiện, trên địa bàn xã đã có 5 máy cấy ngồi lái công suất lớn hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Hồng, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân cho biết, từ khi có máy cấy về phục vụ sản xuất tại địa phương, bà con nông dân rất phấn khởi. Trước đây, mỗi khi mùa vụ đến, gia đình bà rất vất vả trong việc tìm người cấy thuê. Hơn nữa, nếu thuê cấy thủ công mỗi sào mất 350.000 – 400.000 đồng, chưa gồm các chi phí khác. Còn nay, thuê dịch vụ mạ khay, cấy máy, mỗi sào ruộng tổ dịch vụ thu từ 250.000 – 280.000 đồng; trong đó đã gồm cả giống và công gieo mạ, công cấy. Nếu cấy tay, mỗi người chỉ cấy được từ 1 đến 1,5 sào/ngày nhưng khi sử dụng máy cấy chưa đầy 40 phút cho 1 mẫu ruộng.
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết, thực hiện đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy” của UBND tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển mạ khay, cấy máy đến tất cả các hợp tác xã trên địa bàn huyện và giao chỉ tiêu cho các địa phương để thực hiện, đặc biệt tại những vùng gieo sạ bị lúa cỏ, lúa ma gây hại, nhằm hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng. Vụ Xuân 2023, toàn huyện Lý Nhân đã có gần 400 ha áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, năm 2021, tỉnh Hà Nam có hơn 1.500 ha áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy. Năm 2022, diện tích cấy máy của tỉnh đã tăng lên 4.600 ha, chiếm 8% diện tích gieo cấy. Năm 2023, tỉnh có kế hoạch áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy đối với hơn 8.000 ha.
Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, qua thực tế sản xuất cho thấy, áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy giúp đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, chi phí sản xuất giảm từ 150.000 - 200.000 đồng/sào.
Lúa cấy bằng máy nông, mật độ cây lúa đồng đều nên phát huy được hiệu ứng hàng biên; ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường. Năng suất lúa cấy máy cũng cao hơn 20% so với các phương pháp gieo cấy khác.
Bên cạnh đó, mô hình cấy bằng máy đã tháo gỡ khó khăn về thiếu lao động tại nhiều địa phương; nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nâng cao thu nhập; góp phần hoàn thiện chu trình cơ giới hóa các khâu trong sản xuất lúa.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025, diện tích áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy đạt 60% tổng diện tích gieo cấy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, cử cán bộ kỹ thuật về làm cùng với các chủ máy cấy.
Đơn vị bám sát, hướng dẫn từ khi làm mạ khay đến khi đưa mạ ra đồng cấy để bà con nắm bắt được kỹ thuật một cách nhanh nhất, phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị về kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy, thiết bị máy cấy, dây chuyền gieo mạ khay.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quy hoạch lại đồng ruộng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi, xây dựng cánh đồng theo phương châm “một cánh đồng – một giống” để thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy nói riêng và trong sản xuất nông nghiệp nói chung.