Tích lũy hành trang để "vào đời"
Hành trình gần hai tuần tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tại xã Tân Quới Trung, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đã cho những sinh viên Trường Đại học Hoa Sen (Thành phố Hồ Chí Minh) nhiều trải nghiệm thú vị. 75 sinh viên được ở tại 6 gia đình, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân trong suốt chiến dịch. Các sinh viên đóng góp kinh phí và ngày công xây dựng nhà nhân ái cho hộ nghèo, tham gia các hoạt động góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn như phát quang cây xanh, trồng hoa trên cách tuyến đường, thực hiện tuyến đèn đường bằng năng lượng mặt trời…
Sinh viên Cao Thị Hậu, Trường Đại học Hoa Sen tâm sự: “Những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm với các tía, các má ở đây đã cho chúng em nhiều bài học về cách ứng xử, lao động sản xuất, từ những việc rất nhỏ nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Ở trường, chúng em gọi Mùa Hè xanh là chuyến đi của thanh xuân. Em tham gia Mùa Hè xanh đến nay là năm thứ 3 và vẫn muốn đi tiếp thêm nhiều hơn để tích lũy cho mình những bài học quý giá bên ngoài giảng đường".
Với kinh nghiệm 9 năm tham gia chiến dịch Mùa Hè xanh, Bí thư Đoàn trường Đại học Hoa Sen Nguyễn Thành Hiếu đã chia sẻ không ít kinh nghiệm cho từng lớp sinh viên mới lần đầu được tham gia chiến dịch. Theo anh Hiếu, chiến dịch Mùa Hè xanh hay các chiến dịch thanh niên khác không phải là một chuyến đi chơi mà đó là hành trình để sinh viên học hỏi, rèn luyện. Các bạn sinh viên trải nghiệm được những điều mới trong học tập, trong cuộc sống, giúp rèn luyện tinh thần tập thể, trách nhiệm, kỷ luật.
Gắn bó với người dân, nhất là các em thiếu nhi xã Tân Lược, huyện Bình Tân những ngày qua, nhiều sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh không khỏi bịn rịn khi kết thúc hành trình của chiến dịch. Các bạn đã cùng tham gia xây dựng nhà nhân ái và khu vui chơi cho thiếu nhi, bổ trợ kiến thức, tổ chức sinh hoạt hè và trao quà cho thiếu nhi...
Sinh viên Quách Cẩm Tú (Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) nói: “Trong thời gian ở đây, bà con thương, lo cho tụi em như con trong nhà. Đặc biệt, các em nhỏ rất gắn bó với chúng em. Qua chiến dịch, em học được nhiều điều hơn, biết lắng nghe và chia sẻ, học được những kỹ năng giao tiếp rất cần thiết. Em hy vọng thông qua các hoạt động tình nguyện sẽ góp một phần nhỏ làm cho đời sống người dân nơi đây tốt hơn.
Đến thăm các sinh viên trong những ngày đội hình gấp rút hoàn thành nhiệm vụ để quay lại trường, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón đánh giá cao những công trình, phần việc các bạn trẻ thực hiện, các hoạt động đã gắn với đời sống, tạo được niềm tin trong nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long động viên các sinh viên tiếp tục giữ lửa tình nguyện, xung kích để đến nhiều nơi hơn, đảm nhận những công việc khó hơn, không chỉ góp sức trẻ xây dựng quê hương mà còn là cơ hội để rèn luyện, trau dồi những kỹ năng cần thiết để trưởng thành.
Để hoạt động tình nguyện ngày càng lan tỏa
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long Nguyễn Huỳnh Thu, chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm nay diễn ra trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các cấp bộ Đoàn đã linh hoạt tận dụng lực lượng tại chỗ để triển khai các hoạt động. Chiến dịch thật sự là đợt cao điểm của các hoạt động tình nguyện, các đoàn viên, thanh niên đã về những nơi khó khăn nhất của tỉnh để giúp đỡ bà con trong lao động sản xuất, định hướng phát triển.
Các hoạt động không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng mà còn phát huy mạnh mẽ tinh thần xung kích, nói đi đôi với làm của đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, chặng dài của hành trình vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi có sự đổi mới về hình thức hoạt động, sự nỗ lực từ chính những bạn trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết để hoạt động tình nguyện phát huy hiệu quả và ngày càng có sức lan tỏa.
Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Xây dựng Miền Tây Lê Trần Khánh Phương chia sẻ: Từ năm 2004 trở đi, các hoạt động tình nguyện của sinh viên dần thay đổi hình thức để phù hợp hơn với nhu cầu của địa phương và năng lực của tuổi trẻ. Việc phát huy đội hình chuyên xây dựng của trường đã góp phần chia sẻ khó khăn với người dân, đồng thời là môi trường tốt để sinh viên thực hành, học tập.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số khó khăn như: thiếu kinh nghiệm, thiếu sức khỏe và hơn hết là thiếu kinh phí. Sinh viên chủ yếu góp ngày công, nhà trường hỗ trợ một phần kinh phí, so với nhu cầu thực tế của các địa phương chưa thể đáp ứng đủ, khó nhất là việc tìm nguồn hỗ trợ kinh phí, vật tư xây dựng… Trong thời gian tới, Trường tiếp tục duy trì đội hình chuyên về xây dựng, khảo sát và nhận “đặt hàng” của địa phương để tổ chức hoạt động hiệu quả, đồng thời linh hoạt vận động các nguồn lực hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiều công trình hơn.
Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long Nguyễn Huỳnh Thu cho biết, thời gian tới, để hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ tỉnh ngày càng lan tỏa, tạo được dấu ấn trong lòng người dân, các cấp bộ Đoàn tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức các phong trào theo hướng phát huy chuyên môn, sở trưởng của đoàn viên, thanh niên, thành lập các đội hình chuyên, giúp đoàn viên, thanh niên phát huy vai trò, sức lực, trí tuệ của mình.
Cùng với đó, tỉnh thực hiện hoạt động tình nguyện theo nhu cầu của xã hội và trong từng khối đối tượng, lĩnh vực cơ động phù hợp hơn, hoạt động tình nguyện phải thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế địa phương và của nhân dân. Các Đoàn cơ sở tiếp tục bám sát địa bàn, xây dựng kế hoạch hoạt động riêng, phù hợp với đối tượng thụ hưởng để tạo sự đồng thuận của chính quyền địa phương và nhân dân.
Tỉnh Đoàn Vĩnh Long sẽ tiếp tục xây dựng những mô hình mới để thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện, xây dựng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi để các bạn trẻ có thu nhập ổn định, an tâm tham gia các hoạt động đoàn. Đoàn thanh niên các cấp tiếp tục đầu tư, nâng chất các công trình, phần việc thanh niên nhằm tạo hiệu ứng xã hội tốt, tích cực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để những công trình, phần việc của thanh niên không còn manh mún, nhỏ lẻ mà phát huy hiệu quả tốt, ghi dấu ấn trong lòng người dân.