Hải Dương: Đề nghị tăng mức chi cho việc chuẩn bị, tổ chức các kỳ thi giáo dục phổ thông

Ngày 25/4, Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hải Dương đã thực hiện việc giám sát, thẩm tra đối với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh về đề nghị quy định nội dung, định mức chi để chuẩn bị, tổ chức, tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương Đỗ Duy Hưng, năm 2012, Hải Dương đã ban hành quy định cụ thể mức chi cho chuẩn bị, tổ chức, tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông trên địa bàn (bao gồm định mức chi cho công tác xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm; tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; bổ túc Trung học phổ thông; thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh; tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn…) đến nay đã không còn phù hợp. Việc áp dụng mức chi này chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, trong đó việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá là khâu đột phá. Nhất là sau 10 năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, mức lương cơ bản đã được điều chỉnh nhiều lần… gây khó khăn trong công tác tổ chức thi, không đảm bảo chế độ, không thu hút được cán bộ có năng lực thực sự.

Trước thực tế đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị HĐND tỉnh Hải Dương ban hành Nghị quyết mới về nội dung, định mức chi để chuẩn bị, tổ chức, tham dự các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh, huyện; chi công tác tập huấn, bồi dưỡng học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế các môn văn hóa… Trong đó, có quy định cụ thể về mức chi cho công tác ra đề thi; công tác tổ chức thi và chấm thi… Dự kiến tổng kinh phí hằng năm chi cho việc này là gần 11,9 tỷ đồng, cao hơn mức đã áp dụng năm 2021 là gần 4,7 tỷ đồng. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, mức chi này tương đương hoặc thấp hơn một số tỉnh, thành khác. Trước buổi làm việc, ngành đã lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh sửa đối với kiến nghị của các sở, ngành, đơn vị, địa phương như: Sở Tư pháp, Sở Tài chính; các phòng giáo dục và UBND các địa phương trong tỉnh.

Tại buổi làm việc, bà Trịnh Thúy Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, các sở, ngành liên quan rà soát lại các luật, thông tư, nghị định liên quan đến mức chi này. Đối với các khoản chi không thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, bà Nga đề nghị các đơn vị thực hiện theo các quy định của luật, thông tư đã ban hành. 

Chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục và đào tạo, nhất là việc tổ chức các kỳ thi phần lớn vào mùa hè, nắng nóng, điều kiện làm việc của các Hội đồng thi còn nhiều bất cập, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Hải Dương cho rằng cần có nghị quyết điều chỉnh lại mức chi cho phù hợp với thực tế và ngân sách địa phương. Đối với các kiến nghị, Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ tiếp thu, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương xem xét, quyết định trong kỳ họp tới.

Tin, ảnh: Mạnh Tú (TTXVN)
Thông tin về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Thông tin về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học (nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn học: Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN