Đến nay, việc thực hiện quy định này đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; đồng thời phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ, đảm bảo tính dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh.
Giải quyết kịp thời kiến nghị
Chiều 11/12, tại trụ sở UBND xã Cộng Hòa, UBND huyện Kim Thành (Hải Dương) tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Hưng với nhân dân trong xã. Đây là một trong những cuộc đối thoại trực tiếp với người dân được chính quyền các cấp trong tỉnh Hải Dương tổ chức thường xuyên. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành thông báo khái quát tình hình kinh tế - xã hội, những vấn đề mà dư luận xã hội và nhân dân quan tâm.
Ông Phạm Quang Hưng cũng đã trả lời 3 kiến nghị của người dân về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; 11 ý kiến về quản lý đất đai, môi trường; 7 ý kiến về lĩnh vực giao thông, vận tải và 2 ý kiến về lĩnh vực văn hóa, xã hội và an ninh, trật tự. Đó là các vấn đề như: Hỗ trợ thêm thuốc diệt chuột, phát quang cây cối, cỏ dại ở hàng tre chắn sóng hạn chế chỗ trú ngụ cho chuột để bảo vệ đê và đồng ruộng; một số doanh nghiệp xả khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn khó khăn; tình trạng vứt bừa bãi xác động vật chết; sửa chữa phòng học ở trường mầm non; xử lý các hàng quán lấn chiếm lòng, lề đường dọc quốc lộ 5; xử lý nghiêm tình trạng “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, ném chất bẩn vào nhà dân… Các ý kiến, kiến nghị của người dân đều được Chủ tịch UBND huyện và các cơ quan chức năng giải đáp cụ thể dựa trên các quy định của pháp luật, nghị quyết của HĐND và quy định của UBND tỉnh, huyện.
Trước buổi đối thoại, ông Đào Quang Thoan, thôn Lai Khê, nêu tình trạng cho vay nặng lãi núp bóng dưới các hình thức như kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, cho vay tín chấp, đáo nợ ngân hàng... Sau khi cho vay, các đối tượng đòi nợ thuê bằng các hình thức khủng bố như ném chất bẩn vào nhà khiến người dân ở vùng nông thôn rất lo sợ. “Tôi đã gửi ý kiến đến người đứng đầu huyện, mong cơ quan chức năng có các giải pháp kịp thời, xử lý tình trạng này để người dân có cuộc sống an toàn hơn”, ông Thoan chia sẻ.
Đối với kiến nghị này, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành Phạm Quang Hưng cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng của huyện đã điều tra, làm rõ, khởi tố 4 vụ, 7 bị can; xử lý hành chính 8 vụ, 10 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Công an huyện đã triệt phá, xử lý 1 ổ nhóm có biểu hiện hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê và có hành vi gây rối trật tự công cộng tại địa bàn xã gồm 6 đối tượng; trong đó khởi tố 4 bị can, đưa đi cơ sở giáo dưỡng 2 đối tượng.
Sau khi nhận được thông tin trả lời của người đứng đầu UBND huyện Kim Thành, ông Thoan đã bày tỏ sự hài lòng với các ý kiến trả lời trực tiếp và mong muốn sẽ có nhiều cuộc đối thoại như thế này để người dân có thể kịp thời gửi ý kiến, trình bày nguyện vọng với người đứng đầu huyện.
Năm 2020, Nam Sách là một trong những huyện tổ chức được nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền với nhân dân. Qua đối thoại, nhiều kiến nghị, đề xuất của nhân dân đã được chính quyền các cấp của huyện tích cực giải quyết. Qua các cuộc đối thoại, Bí thư Huyện ủy Nam Sách Bùi Văn Thăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khởi công xây dựng kênh thoát nước bằng bê tông khép kín nhằm hạn chế phát tán mùi hôi thối từ nước thải của làng nghề Mạn Đê ở xã Nam Trung. Công trình kênh thoát nước trị giá hơn 5 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ 2 tỷ đồng. Xã Minh Tân sau khi nhận được kiến nghị của người dân đã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp diệt chuột bảo vệ sản xuất; chỉ đạo lực lượng Công an xã tăng cường tuần tra, kiểm soát phòng chống tội phạm, kiên quyết xử lý khi có tụ điểm tệ nạn xã hội…
Thời gian qua, Nam Sách đã triển khai một số đề án nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thu gom, xử lý rác thải tại các thôn, khu dân cư nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, nhất là khu vực nông thôn. Từ sự vào cuộc trên đã góp phần giúp địa phương xây dựng thành công huyện nông thôn mới. 100% số trường học công lập của huyện đạt chuẩn quốc gia; tất cả trục đường huyện, xã, thôn được đổ bê tông; 80% số đường nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa...
Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hải Dương cho biết: 5 năm qua, khối dân vận cơ sở và tổ dân vận thôn, khu dân cư đã chủ động tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Cụ thể: Cấp tỉnh tổ chức 7 cuộc tiếp xúc, đối thoại theo chuyên đề; cấp huyện tổ chức gần 80 cuộc; cấp xã tổ chức trên 2000 cuộc đối thoại, với gần 15.000 lượt ý kiến, kiến nghị của cán bộ và nhân dân. Các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân đã được người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trực tiếp trả lời và chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết làm rõ ngay tại hội nghị.
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Văn Phú, hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân đã mang lại hiệu quả rõ nét, qua đó tuyên truyền phổ biến các chủ trương của cấp ủy, quy định của chính quyền địa phương, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến tham vấn của nhân dân; kịp thời đánh giá rút kinh nghiệm, phát hiện những hạn chế, thiếu sót để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung những nội dung, quy định cho phù hợp với tình hình thực tế. Nội dung đối thoại thẳng thắn, cởi mở, nhiều vấn đề về tư tưởng, dư luận xã hội, những vấn đề còn khúc mắc, bức xúc trong nhân dân được quan tâm nắm bắt và từng bước giải quyết, tạo được không khí dân chủ, hài hòa, cởi mở, gắn bó trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Người dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, hiến công, hiến kế, góp ý, phản ánh, kiến nghị với tinh thần xây dựng tích cực. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy định của địa phương, các chương trình, đề án, dự án được tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Phát huy vai trò người đứng đầu
Mới nhận nhiệm vụ từ tháng 9/2020 và lần đầu tiên đối thoại với người dân trên vị trí Chủ tịch UBND huyện, ông Phạm Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành chia sẻ: “Dù mới nhận nhiệm vụ là Chủ tịch UBND huyện nhưng qua buổi đối thoại trực tiếp với người dân, cá nhân tôi nhận thấy đây là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp lãnh đạo huyện bổ sung, hoàn thiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cũng như thấy được tất cả những vấn đề nhỏ nhất phát sinh trong đời sống người dân, nhất là ở khu vực nông thôn để đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong huyện”.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Văn Phú chia sẻ, việc tiếp xúc, đối thoại tại Hải Dương vẫn còn bộc lộ một số bất cập như: Vẫn còn tình trạng nhân dân tụ tập đông người, đơn thư khiếu kiện vượt cấp do một số vấn đề bức xúc chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết triệt để. Một số đơn vị cấp cơ sở thực hiện quy chế tiếp xúc, đối thoại còn mang tính hình thức. Thậm chí, có nơi người đứng đầu còn ngại, né tránh tiếp xúc, đối thoại ở những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân; còn tư tưởng trông chờ, ỷ nại vào sự trả lời, giải quyết của cấp trên. Một bộ phận nhân dân còn có ý kiến, kiến nghị nặng về tính cá nhân không mang tính đại diện những nguyện vọng chính đáng mà nhân dân mong muốn được tập trung giải quyết, gây khó khăn cho cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.
Để phát huy vai trò của người đứng đầu trong xử lý những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, trong thời gian tới, Hải Dương tăng cường tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại theo chuyên đề, lựa chọn địa bàn có những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn để tập trung giải quyết. Đối với các địa phương, cơ sở có dấu hiệu phát sinh những yếu tố phức tạp, nổi cộm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chủ động đối thoại, để giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngay tại cơ sở. Các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương cũng tăng cường phối hợp, kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chuẩn bị các nội dung liên quan, các điều kiện cần thiết cho các cuộc tiếp xúc, đối thoại và trả lời ý kiến, kiến nghị của nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, người đứng đầu nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân trước, trong và sau hội nghị tiếp xúc, đối thoại, đảm bảo về thời gian, chất lượng nội dung giải quyết.
Hải Dương cũng tập trung phát huy vai trò và xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu trong hệ thống chính trị để thống nhất về phương hướng, biện pháp đồng bộ, chỉ đạo xử lý, giải quyết, không để khiếu kiện vượt cấp gây phức tạp tình hình ở địa phương, cơ sở. Hải Dương còn tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách, nhất là trong bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, phương án hỗ trợ ổn định đời sống người dân khi bị thu hồi đất… Sau mỗi cuộc tiếp xúc, đối thoại, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để đảm bảo về thời gian, hiệu quả, chất lượng thực thi nhiệm vụ, củng cố niềm tin trong nhân dân.