Kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chỉ số PCI năm 2022 của Hải Dương đạt 65,22 điểm, giảm 2,43 điểm so với năm 2021. Xếp hạng PCI của Hải Dương đứng thứ 32 cả nước, giảm 19 bậc so với năm 2021. Trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, Hải Dương xếp thứ 9/11 tỉnh, giảm 4 bậc so với năm trước.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Hải Dương, trong 10 chỉ số thành phần của PCI, có 1 chỉ số tăng điểm, 9 chỉ số giảm điểm so với năm 2021. Tương quan với cả nước, hầu hết chỉ số thành phần cấu thành PCI của Hải Dương bị "tụt hạng". Chỉ có 3 chỉ số tăng hạng là chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ số gia nhập thị trường tăng hạng từ 16 lên vị trí thứ 4 của cả nước, đứng đầu trong vùng Đồng bằng sông Hồng và là chỉ số thành phần duy nhất đứng trong top 10 địa phương cả nước có điểm số cao.
Về tổng thể, chỉ số PCI của Hải Dương giảm cả về số tuyệt đối lẫn thứ bậc xếp hạng toàn quốc. Môi trường đầu tư của tỉnh còn một số hạn chế. Có những chỉ số cải thiện thứ hạng so với cả nước, nhưng còn thiếu bền vững và so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng có xu hướng tụt hậu. Các chỉ số chiếm trọng số lớn như: tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; cạnh tranh bình đẳng; đào tạo lao động; chi phí không chính thức giảm sâu hơn mức giảm chung của cả nước.
Cùng với đó, chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao; tiếp cận đất đai còn là điểm nghẽn lớn; tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước hiệu quả chưa cao; một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chậm được tháo gỡ; tình trạng nhũng nhiễu vặt trong giải quyết thủ tục hành chính một số lĩnh vực tuy giảm, nhưng còn tương đối phổ biến.
Hải Dương cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc "tụt hạng" PCI. Đó là chưa nhận diện và xác định được các công việc có tính đột phá, lan tỏa nhằm tạo chuyển biến rõ nét môi trường đầu tư kinh doanh. Thiếu đội ngũ chuyên môn sâu, có kinh nghiệm hiểu biết về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh và tham mưu tốt. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp sở, ngành, địa phương có một số việc còn chậm, bị động, thiếu quyết liệt và chưa gắn được trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành và địa phương đã nêu ý kiến làm rõ thêm chỉ số liên quan tới lĩnh vực, địa bàn của mình và đề xuất các giải pháp để nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Chia sẻ với Hải Dương, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, triết lý của PCI là tăng chất lượng thực thi của bộ máy. Hiện nay cả nước có 55 tỉnh đã thực hiện đánh giá PCI của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, điều này tạo nên lực đẩy cho việc nâng cao chất lượng hoạt động từ cơ sở.
Cho rằng Hải Dương đã có những cải thiện tích cực và các điểm sáng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đại diện VCCI lưu ý Hải Dương chú trọng hơn trong thúc đẩy các nhóm thủ tục phía sau đăng ký (chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền…); quan tâm các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, dự báo thời gian tới khó khăn về tài chính toàn cầu sẽ dẫn đến khó khăn về thu hút dòng vốn FDI. Tuy vậy, với lợi thế hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển, nếu Hải Dương tạo được sự khác biệt về chất lượng điều hành của bộ máy thì sẽ tạo nên điểm nhấn, thương hiệu của tỉnh với các nhà đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Hải Dương cần tập trung vào yếu tố con người. Người đứng đầu tỉnh Hải Dương đề nghị mỗi cá nhân từ cán bộ, công chức, đến người đứng đầu thực hiện tốt chức trách của mình. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị cần có quy chế làm việc; trong đó, quy định rõ phân công, phân nhiệm, phối hợp với các cơ quan.
Tỉnh cũng cần ban hành danh mục thu hút đầu tư vào tỉnh; quy trình phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương. UBND tỉnh quan tâm phối hợp với đơn vị tư vấn độc lập xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương. Cùng với cải tiến thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, các sở, ngành, địa phương phải rà soát việc có hay không chi phí không chính thức, từ đó cải thiện thực sự về chỉ số PCI, phấn đấu đưa Hải Dương trở thành một địa điểm đáng đến đầu tư kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai tổ chức đánh giá PCI ở mỗi sở, ngành, địa phương và coi đây là kênh quan trọng để đánh giá hiệu quả công việc, năng lực thực thi nhiệm vụ gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Hải Dương hướng tới huy động tối đa nguồn lực từ xã hội trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quyết tâm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Hải Dương xác định 5 nhóm nhiệm vụ trong tâm để khắc phục hạn chế, cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong số đó, nhiệm vụ hàng đầu là đổi mới tư duy tiếp cận của các cơ quan nhà nước với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xác định đối tượng phục vụ là các doanh nghiệp, coi trọng vai trò của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tỉnh chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, khắc phục yếu kém trong việc phối hợp giữa các cơ quan; nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, chất lượng phục vụ của chính quyền các cấp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm tối đa chi phí thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.
Hải Dương cũng sẽ tăng tính minh bạch, đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận chính sách, quy định của Nhà nước cho cộng đồng doanh nghiệp; tháo gỡ điểm nghẽn về tiếp cận đất đai, nâng cao chất lượng và hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp; kịp thời giải quyết những vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, mở rộng quy mô đầu tư, kinh doanh.