Không gian trưng bày được chia thành 3 chủ đề: Tổng quan nghề cổ truyền; Những nghề cổ truyền tiêu biểu; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề cổ truyền.
Nằm trong cái nôi văn hóa của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, là trấn phên dậu phía Đông của Kinh thành Thăng Long, từ xa xưa, Hải Dương đã nổi tiếng với nhiều nghề, làng nghề cổ truyền độc đáo. Sản phẩm của các làng nghề không những đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương mà còn cung cấp cho Kinh thành Thăng Long và dành một phần để xuất khẩu. Nhiều nghề trong số đó vẫn còn được duy trì và phát triển đến ngày nay.
Theo nghiên cứu bước đầu, Hải Dương có 32 nghề, làng nghề cổ truyền có lịch sử tồn tại hàng trăm năm, gắn với đời sống của người dân. Tiêu biểu như nghề gốm có từ thời Trần vào thế kỷ thứ XIII ở Vạn Yên (Chí Linh), phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI ở Chu Đậu (Nam Sách), Cậy, Hợp Lễ (Bình Giang)… Thuộc lĩnh vực chạm khắc gỗ, đá và các công trình kiến trúc có làng nghề Cúc Bồ (Ninh Giang) chuyên dựng đình, đền, chùa; làng nghề Đông Giao (Cẩm Giàng); làng nghề Kính Chủ (Kinh Môn).
Những nghề phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt cũng rất phong phú như: nón Mao Điền, cân Bái Dương (Cẩm Giàng); giày da Tam Lâm (Gia Lộc); thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ); vàng bạc Châu Khê, giường, chõng tre Bùi Xá, nhuộm Đan Loan (Bình Giang); xăm rươi (Kim Thành)…
Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nhiều làng nghề đã sản xuất ra các sản phẩm trở thành đặc sản như: bánh gai Ninh Giang, bánh đa Kẻ Sặt (Bình Giang), rượu Phú Lộc (Cẩm Giàng), bún Đông Cận (Gia Lộc)…
Ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, một số nghề và làng nghề của Hải Dương còn giữ vai trò là trung tâm của cả nước như: khắc ván in Hồng Lục - Liễu Tràng (thành phố Hải Dương), đóng giày da Tam Lâm (Gia Lộc), chế tác vàng bạc Châu Khê (Bình Giang)…
Nhiều thợ giỏi đã mang nghề ra các thành phố lớn, mở cửa hiệu, nhà xưởng, lập thành phường, làm ăn buôn bán từ đời này qua đời khác. Những phố Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Giầy… ở Hà Nội ngày nay đều có phần đóng góp của những người thợ làng nghề của xứ Đông xưa.
Cuộc trưng bày cũng giới thiệu khái quát về sự quan tâm của tỉnh Hải Dương đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề. Nhờ những chính sách đúng đắn, quan tâm hỗ trợ kịp thời của tỉnh, nhiều nghề, làng nghề đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nhiều nghệ nhân có đóng góp trong việc bảo tồn và trao truyền tri thức, kinh nghiệm làm nghề cho lớp trẻ đã được vinh danh nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.
Được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), cuộc trưng bày có giá trị giáo dục thực tiễn, đặc biệt là với học sinh, sinh viên, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn và tích cực tham gia góp sức vào bảo tồn, phát huy giá trị nghề cổ truyền nói riêng và di sản văn hóa dân tộc nói chung.
Cuộc trưng bày hoạt động đến hết ngày 31/12/2020.