Hành trình xây dựng tri thức và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực xây dựng môi trường học tập toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số, từ hệ thống trường học, chính sách hỗ trợ, đến chương trình giáo dục đặc thù.

Chú thích ảnh
Nhà giáo ưu tú, Tiến sỹ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Để hiểu rõ hơn về thực trạng, những nỗ lực và giải pháp trong thời gian tới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Thưa ông, xin ông chia sẻ về "bức tranh tổng thể" của giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk?

Đắk Lắk là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện toàn tỉnh có 1.002 trường học, từ mầm non đến trung học phổ thông, với hơn 484.000 học sinh; trong đó, hơn 1.000 học sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm gần 35%.

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu học tập con em các đồng bào dân tộc, tỉnh đã xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, với 2 trường cấp trung học phổ thông, 15 trường cấp trung học cơ sở theo từng đơn vị huyện, với trên 2.300 học sinh người dân tộc thiểu số theo học. Trường phổ thông có học sinh bán trú có 18 trường, với gần 6.000 học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số theo học.

Ngoài việc tạo cơ hội học tập cho các em, tỉnh đã đẩy mạnh việc lồng ghép giáo dục văn hóa bản địa vào chương trình học. Học sinh được tiếp xúc với sử thi Êđê, dân ca Mnông, Jrai và các hoạt động trải nghiệm thực tế như dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng gỗ... Điều này không chỉ giúp nuôi dưỡng lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc của các em, mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa Tây Nguyên.

Về mặt cơ sở vật chất, tỷ lệ phòng học kiên cố của tỉnh hiện đạt trên 87 %. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 60,09%, vượt chỉ tiêu đề ra. Nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa cũng đã được trang bị thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vẫn còn những tồn tại, bất cập. Học sinh vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận điều kiện học tập tốt. Một số trường học vẫn thiếu phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu. Đặc biệt, khả năng nói tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số chưa đồng đều, gây trở ngại lớn trong việc tiếp thu kiến thức.

Chú thích ảnh
Học sinh tại Trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú N’Trang Lơng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến những khó khăn này, thưa ông?

Thách thức lớn nhất mà ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk phải đối mặt là địa hình rộng lớn, phức tạp. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa cách trung tâm huyện hàng chục km, đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa. Điều này khiến việc xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức dạy học gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, địa phương có đặc thù đa dạng về dân tộc. Tỉnh có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có ngôn ngữ, văn hóa, phong tục riêng. Chính sự đa dạng này là một thách thức trong việc xây dựng chương trình học phù hợp; khả năng tiếp thu kiến thức của các em, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học.

Cùng với đó, nguồn lực tài chính dành cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số tuy đã tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Chế độ, chính sách dành cho học sinh người dân tộc thiểu số và giáo viên dạy học vùng khó khăn vẫn còn có những bất cập.

Một nguyên nhân nữa là nhận thức của một bộ phận cha mẹ học sinh về giáo dục. Ở nhiều nơi, người dân vẫn ưu tiên lao động kinh tế hơn là cho con em học tập lâu dài. Điều này làm tăng tỷ lệ bỏ học, đặc biệt ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Phong tục, tập quán, văn hóa đặc thù đã ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập của học sinh. 

Tình trạng thiếu giáo viên nói chung và giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học ở vùng khó, cũng là vấn đề tỉnh đang phải đối mặt. Giáo viên dạy tiếng dân tộc hay giáo viên người dân tộc thiểu số chưa nhiều, trong khi đó chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn để thu hút giáo viên giỏi đến vùng khó khăn.

Chú thích ảnh
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk luôn nỗ lực xây dựng môi trường học tập toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số

Trước những khó khăn này, ngành Giáo dục Đắk Lắk sẽ triển khai những giải pháp nào trong thời gian tới để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Ngành Giáo dục xác định giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng không chỉ về mặt xã hội, mà còn về chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Để nâng cao chất lượng giáo dục, trong thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Về cơ sở vật chất, tiếp tục lồng ghép các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa để đầu tư xây dựng phòng học, khu nội trú và trang thiết bị dạy học; đặc biệt, ưu tiên các trường ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện học tập còn khó khăn.

Tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, chú trọng đến những giáo viên công tác vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ ưu đãi thu hút đội ngũ giáo viên giỏi công tác ở vùng khó khăn; phát triển đội ngũ nhà giáo người dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, tăng cường thực hiện tốt các hoạt động giáo dục đặc thù. Học sinh không chỉ học kiến thức phổ thông, mà còn được tiếp cận với văn hóa dân tộc qua các môn nghệ thuật, lịch sử và trải nghiệm thực tế. Việc lồng ghép văn hóa dân tộc vào giáo dục sẽ giúp các em học sinh không chỉ giỏi về tri thức mà còn tự hào về cội nguồn.

Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của học sinh dân tộc thiểu số (Êđê, M’Nông…); quan tâm giáo dục văn hoá dân tộc trong nhà trường. Cuối cùng là, thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, chương trình; tăng cường công tác truyền thông để có sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về phát triển giáo dục dân tộc...

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành của toàn xã hội, giáo dục vùng dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk không chỉ vượt qua khó khăn mà còn trở thành điểm sáng trong công cuộc xây dựng và phát triển bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PV (thực hiện)
Tỉnh Đắk Lắk nỗ lực xóa nhà tạm, xây yêu thương 
Tỉnh Đắk Lắk nỗ lực xóa nhà tạm, xây yêu thương 

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Y Giang Gry Niê Knơng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk về thực hiện chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN