Hậu Giang lên kế hoạch đóng cửa hai bãi rác

Ngày 25/2, tại cuộc họp với các sở, ngành liên quan về tiến độ thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đã thống nhất với những nội dung Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra thực hiện trong thời gian tới.

Trong đó, trong quý III/2021, tỉnh thực hiện xong lập đề án, khái toán kinh phí phương án đóng cửa, cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường hai bãi rác Tân Tiến và Long Mỹ để trình Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Theo đó, thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; xây dựng, in ấn và chuyển giao các tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chủ trì phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong tỉnh, nhất là thí điểm các mô hình về phân loại, thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị của thành phố Vị Thanh và ở nông thôn của thành phố Ngã Bảy.

Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có mục tiêu chính là kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn nông nghiệp; nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là giai đoạn 2021- 2025 có 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị của Hậu Giang được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; phấn đấu 60% hộ gia đình ở các đô thị lớn như thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ... thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 80% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường... 

Đề án cũng đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ che phủ cây xanh ở các tuyến đường giao thông tại đô thị và nông thôn; 100% tuyến đường xã, liên xã được trồng cây xanh; cải tạo cảnh quan môi trường trụ sở, cơ quan, trường học, công viên, nơi công cộng; nâng cao tỷ lệ thu gom, quản lý và xử lý bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; phấn đấu 50% bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định.

Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, duy trì và mở rộng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh; 100% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử  lý đúng quy định.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến khoảng 110 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đóng góp hơn 60 tỷ đồng và đề nghị Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng.

Duy Ba (TTXVN)
Mùi hôi từ bãi rác Nam Sơn được xử lý gần 100%
Mùi hôi từ bãi rác Nam Sơn được xử lý gần 100%

Sau 1 tháng thí điểm xử lý bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản, mùi xú uế rỉ ra từ nước thải tại bãi rác Nam Sơn đã được xử lý gần 100%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN