Tham dự buổi gặp gỡ có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi, huyện Đức Phổ, xã Phổ Thạnh và đông đảo người dân xã Phổ Thạnh.
Tại đây, hơn 10 ý kiến của người dân liên quan đến các vấn đề: Khi xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ, chính quyền không lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; khoảng cách từ nhà máy đến hộ dân gần nhất quá gần (dưới 500m); nhà máy xây dựng đầu nguồn nước, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm sinh hoạt của nhân dân; chưa hoàn thành hồ chứa nước thải nhưng đã đi vào vận hành, sử dụng; Phổ Thạnh là xã ven biển, đất chật, người đông nhưng lại chọn làm nơi xây dựng nhà máy; mỗi khi nhà máy hoạt động người dân ngửi thấy mùi khét rất khó chịu, tiếng ồn, ruồi nhặng gây ô nhiễm... Do đó, người dân yêu cầu phải di dời nhà máy đến vị trí khác cách xa khu dân cư.
Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi, ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi đã giải trình một số vấn đề liên quan đến quy hoạch và môi trường nhưng người dân không đồng ý.
Sau nhiều ý kiến giữa người dân và chính quyền, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho rằng: Những kiến nghị của người dân là có cơ sở. Về quy trình khi đề nghị cho xây dựng nhà máy từ xã lên huyện, tỉnh và người ký hợp đồng xử lý môi trường là Ủy ban nhân dân huyện Đức Phổ có nhiều nội dung không đúng. Khi lấy ý kiến tham vấn cộng đồng phải tham vấn người dân nhưng dự án này không lấy ý kiến dân mà lại lấy ý kiến cán bộ.
Quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của một nhà máy xử lý rác là khoảng cách tối thiểu tính từ hàng rào nhà máy đến hộ dân gần nhất là trên 500m nhưng hiện nay đo được là dưới 500m, như vậy là sai. Nhà máy này chưa hoạt động chính thức, mới chỉ vận hành thử để kiểm nghiệm quy trình. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, chủ đầu tư đào bãi rác đã chôn lấp lên để xử lý gây mùi hôi thối, ô nhiễm...
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cũng cho rằng, sai phải sửa, nhà máy sai thì phải di dời. Tuy nhiên, việc di dời cũng cần có lộ trình, thời gian. Do đó, ông Bính yêu cầu đóng cửa bãi rác chôn lấp, tạm thời dừng hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ, lãnh đạo nhà máy lập phương án di dời. Ủy ban nhân dân huyện Đức Phổ tìm điểm xử lý rác của thị trấn Đức Phổ và các xã khác, rác của xã Phổ Thạnh để địa phương tự tìm hướng xử lý.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Tăng Bính cũng đề nghị người dân không tụ tập đông người, trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Theo thống kê, mỗi ngày toàn huyện Đức Phổ thải ra khoảng 25 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tính từ ngày người dân bắt đầu chặn xe chở rác lên Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ (29/7) đến nay (23/8) đã có hàng trăm tấn rác ùn ứ, bốc mùi hôi thối trong các khu dân cư trên địa bàn huyện Đức Phổ.