Thôn Bầm, xã Thành Lâm có 136 hộ dân với 506 nhân khẩu, người dân ở đây đa số là người dân tộc Thái, thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào trồng lúa. Tuy nhiên, hầu hết diện tích ruộng trồng lúa không chủ động được nguồn nước tưới, chỉ trông chờ vào nước trời hoặc bằng đường ống dẫn nước bằng tre, luồng và mương nước trên nền đất cũ thường xuyên bị rỏ rỉ, mất nước. Nhiều đoạn đường giao thông nội thôn là đường đất, độ dốc cao, rất trơn trượt khi mưa lớn, do vậy việc đi lại, sản xuất của bà con rất khó khăn.
Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới đã tài trợ 400 triệu đồng để thôn Bầm thực hiện các tiểu dự án làm đường giao thông trung tâm thôn, xây đường ống dẫn nước. Sau 3 năm triển khai, đường làng bộ mặt nông thôn Bầm đã có nhiều thay đổi rõ rệt với những con đường bê tông hóa, những ruộng lúa xanh mơn mởn đang được người dân chăm sóc.
Chị Ngân Thị Việt, trú tại thôn Bầm, xã Thành Lâm cho biết, đường nội thôn trước đây y rất trơn trượt và lầy lội, tuy nhiên sau khi được Tổ chức Bánh Mỳ thế giới hỗ trợ xây dựng dự án làm đường mới. Chị Ngân và người dân trong thôn rất phấn khởi, cùng góp công sức làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới cùng chính quyền địa phương, hiện dự án đã giúp bà con có đường ống dẫn nước để tưới tiêu đồng ruộng.
Ông Lò Văn Đang, Trưởng thôn Bầm, xã Thành Lâm cho hay, những năm trước đây, thôn Bầm điều kiện kinh tế khó khăn, đường giao thông nông thôn còn lầy lội khó đi, thế nhưng sau khi được hỗ trợ vốn, Ban quản lý thôn đã thực hiện các tiểu dự án như làm đường giao thông nông thôn, sân vận động, công trình nhà văn hóa, đường ống nước. Ngoài ra, người dân còn góp nhiều công sức, hiến đất để cùng nhau xây dựng thôn Bầm ngày càng phát triển, tới nay hầu hết ruộng lúa người dân đã có nước tưới, đường giao thông đã được bê tông hóa.
Theo đánh giá của UBND huyện Bá Thước, nhờ thực hiện dự án các thôn thụ hưởng thuộc hai xã Thành Lâm và xã Thành Sơn đã có có đường giao thông nông thôn đi lại thuận tiện, nước tưới tiêu đảm bảo hai mùa vụ, năng suất mùa vụ tăng lên. Hơn nữa, người dân có nhà văn hóa cộng đồng, sân chơi thể thao cho bà con vui chơi giải trí.
Ông Vũ Đình Hảo, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bá Thước cho biết, dự án quản lý cộng đồng trong Chương trình nông thôn mới được triển khai trên địa bàn huyện đã giúp người dân yên tâm sản xuất nhờ có các công trình ống dẫn nước tưới tiêu. Sau khi xây xong, người dân cũng được giao chăm sóc, bảo dưỡng các hạng mục của công trình.
Bà Bùi Thị Kim, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ, thông qua dự án quản lý cộng đồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới do Tổ chức Bánh Mỳ thế giới tài trợ, chúng tôi muốn giới thiệu đến người dân cách tiếp cận làm việc mới gọi là quản lý cộng đồng, đây là phương pháp do người dân làm chủ.
Bắt đầu khâu phân tích hiện trạng, rồi lập kế hoạch thực hiện, giám sát. Sau khi mọi người làm xong, sẽ tổ chức các họp công khai, minh bạch về tài chính, đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm, những lần không tốt sẽ rút kinh nghiệm, còn nếu làm tốt thì lần sau sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa.
Năm 2018, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam triển khai Dự án "Quản lý cộng đồng trong Chương trình nông thôn mới" do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ. Dự án này gồm có các tiểu dự án nhỏ được xây dựng kết cấu hạ tầng cho 6 thôn gồm thôn Đanh, Bầm, Tân Thành, xã Thành Lâm và thôn Báng, Pù Luông, Eo Kén, xã Thành Sơn.
Ngay sau đó, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu về dự án "Quản lý cộng đồng trong Chương trình nông thôn mới" với sự tham gia của đại diện Văn phòng nông thôn mới tỉnh, huyện và xã. Các xã sau khi tiếp nhận nguồn vốn đã lập Ban quản lý và tổ chức họp dân, lấy ý kiến để lựa chọn các công trình phù hợp với điều kiện của từng thôn và bầu cán bộ Ban quản lý dự án và nhân sự nòng cốt.
Tính đến nay, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em đã thực hiện 39 tiểu dự án trên địa bàn huyện Bá Thước với kinh phí 3,9 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ các thôn làm 6.000 m đường bê tông, xây 125 m mương qua suối, lắp 7.500 m đường ống dẫn nước tưới trên 30 ha diện tích ruộng lúa, làm 2 sân thể thao. Hiện đã có 6.000 người dân hưởng lợi; trong đó, có 1.500 người nghèo.