Trong đó, năm 2021 tỉnh đầu tư 514,5 tỷ đồng từ ngân sách, gần 245 tỷ đồng vốn từ doanh nghiệp phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để kiện toàn các tiêu chí nhằm ra mắt thêm 12 xã nông thôn mới, 14 xã nông thôn mới nâng cao và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, theo lộ trình đề ra, ngay từ năm 2021, địa phương phải triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp tích cực để đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Qua đó, tỉnh thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội - nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa và đưa khu vực nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong cả hệ thống chính trị, cũng như mọi tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng nông thôn mới trong quá trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời với nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; hướng phong trào đến những nội dung, phần việc hiệu quả thiết thực, cụ thể.
Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã, đảm bảo tính thực tế, khả thi, hiệu quả, phát huy lợi thế của từng địa phương; thường xuyên rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng xã, huyện, thị. Mặt khác, Tiền Giang rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tập trung chỉ đạo hoàn thiện bộ máy thực hiện Chương trình ở các cấp đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở theo quy định và hướng dẫn của Trung ương; chú trọng nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp ngày càng chuyên nghiệp; ưu tiên bố trí người có đủ tâm huyết, năng lực cho bộ máy tham mưu về xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, tỉnh quan tâm phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Đến đầu năm 2021, Tiền Giang có 119 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chiếm 83,21% số xã trong toàn tỉnh; có 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, chiếm 6,29% số xã trong tỉnh; có 3 đô thị được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh lên 5/11 đơn vị.
Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội Tiền Giang được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh; môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp hơn; giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên…
Qua khảo sát cho thấy, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 tăng gần 3% so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,63% xuống còn 1,97%; khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị từng bước thu hẹp. Hiệu quả mang lại từ thực tiễn đời sống đã giúp mọi tầng lớp nhân dân thấy được lợi ích thiết thực và tích cực hưởng ứng, chung sức xây dựng nông thôn mới, đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Tiền Giang sớm hoàn thành mục tiêu.