Kết nối để đưa sản phẩm đạt chứng nhận công nghiệp tốt của Đồng Nai ra thị trường lớn

Chiều 29/8, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Vĩnh Cửu giới thiệu sản phẩm của công ty cho ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (thứ 2 từ phải qua)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết: Đồng Nai hiện có nhiều sản phẩm nông sản, chăn nuôi, thuỷ sản có lợi thế cạnh tranh cả trong nước và thị trường xuất khẩu vì có diện tích lớn, tổng đàn cao.

Việc mở rộng diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, tổng đàn vật nuôi được chứng nhận GAP sẽ góp phần kiểm soát và nâng cao chất lượng, giá trị nông sản; đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho người sản xuất và môi trường, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm nhằm phát triển nông nghiệp bền vững; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, việc kết nối nối tiêu thụ nông sản vào bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là cơ hội để mở rộng, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm, giúp các bếp ăn tiếp cận được với nguồn nông sản an toàn, chất lượng và bảo đảm truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy hội nghị này để chúng ta kết nối với nhau nhằm tìm ra giải pháp để phối hợp cho hiệu quả.

Tại hội nghị,  ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, kết quả thực hiện chứng nhận GAP trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tăng nhanh. Trong đó trồng trọt có 2.770 ha đạt chứng nhận, tăng 717 ha so năm 2022 (12,2 ha hữu cơ). Hiện nay, đã xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ  tương ứng, với 1.454 ha. Về chăn nuôi trên toàn tỉnh có 125 trang trại và 07 tổ hợp tác (53 hộ) được chứng nhận VietGAP. Trong đó, sản lượng thịt 124.607 tấn (heo đạt 92.359 tấn; gà đạt 32.248 tấn), đảm bảo nguồn cung trứng gà thương phẩm VietGAP là 283,166 triệu quả. Với thuỷ sản, đã có 14 vùng nuôi đạt chứng nhận VietGAP, tương đương 15.282 tấn. Tuy nhiên, hiện nay VietGAP của thuỷ sản đã hết hạn.

Cũng theo ông Sinh, mặc dù có nhiều thành tựu, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền và đào tạo GAP: nội dung trọng tâm, đúng đối tượng, hình thức phù hợp. Đồng thời, liên kết sản xuất tiêu thụ: Hình thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ tuần hoàn gắn với mô hình quản lý cộng đồng cùng giám sát, ký kết hợp tác Win - Win và áp dụng công nghệ giống - hoàn thiện quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ cao và chuyển đổi số.

Chú thích ảnh
Bà Huỳnh Anh Thư (bên trái), Giám đốc chi nhánh Cẩm Mỹ, thuộc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tân Vương, ký kết tiêu thụ sản phẩm với bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (bên phải), đại diện Hợp tác xã Công nghệ cao Phú Cường.

Tại hội nghị, các đơn vị đã trình bày các tham luận, phản ánh thực trạng, cũng như đề xuất giải pháp để phát triển chăn nuôi để đạt chứng nhận GAP tại địa phương. Đại diện UBND huyện Xuân Lộc cho biết, huyện luôn xác định việc phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp bền vững là tiêu chí hàng đầu của huyện. Để đạt được những mục tiêu đó, huyện đã triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp như tuyên truyền, quy hoạch các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, cũng như hỗ trợ để đưa hộ sản xuất mặt hàng nông sản chủ lực được chứng nhận GAP trên sàn thương mại điện tử...

Ngoài ý kiến của các cơ quan quản lý ra thì doanh nghiệp cũng có những chia sẻ với các cơ quan quản lý về những khó khăn của mình. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu cho biết, trải qua 10 năm hoạt động, đến nay, Công ty tự hào với thành công nhất định từ mảng sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, khép kín theo chuỗi 3F (Feed - Farm - Food), từ trang trại đến bàn ăn. Không chỉ vậy, Hương Vĩnh Cửu còn chú trọng công tác nghiên cứu đặc sản, phát triển thương hiệu, đã và đang được biết đến với dòng sản phẩm riêng biệt là Heo thảo mộc. Đây là kết quả của việc nghiên cứu của công ty, dưới sự hỗ trợ của PGS.TS. Lâm Minh Thuận của trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và hợp tác cùng Công ty De HEUS. Là dòng thịt heo chất lượng cao, con heo được chăm sóc bằng thảo mộc tự nhiên, thay thế cho các loại kháng sinh, thuốc chữa bệnh.

Trong giai đoạn 2023 – 2025, công ty sẽ mở rộng hơn chuỗi liên kết giá trị với các nhà cung cấp, bà con nông dân, các đơn vị thương mại địa phương theo chủ trương, định hướng của UBND tình Đồng Nai, UBND huyện Vĩnh Cửu, về việc triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh, cũng như phục vụ nhu cầu của địa phương.

Chú thích ảnh
Các đại biểu giao lưu kết nối tại Hội nghị.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi khẳng định, Hội nghị đã đạt được mục đích kết nối giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất với tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), từ đó hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập của người sản xuất, chứng minh được ngành nông nghiệp của Đồng Nai có khả năng tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt, gia tăng niềm tin của người tiêu dùng. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương chủ động thực hiện các nội dung được giao; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT trong quá trình triển khai chương trình của UBND tỉnh. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh, trước hết là các sản phẩm chủ lực, lợi thế, sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân, trong suốt quá trình sản xuất từ khâu trồng trọt, nuôi trồng, chăn nuôi, thu hoạch, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường đến các bàn ăn của học sinh tại trường học, của công nhân trong các doanh nghiệp, của từng hộ gia đình và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đồng hành thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh; kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi và lãnh đạo các sở ngành đã chứng kiến việc ký kết giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất với tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) với 3 nhóm chính gồm trồng trọt, chăn nuôi và cung cấp thực phẩm cho bếp ăn tập thể.

Phúc Hằng
Đồng Nai thả cá phóng sinh tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản năm 2023
Đồng Nai thả cá phóng sinh tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản năm 2023

Ngày 17/8/2023, tại đoạn sông Đồng Nai trước khu vực Tổ Đình Long Thiền, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hoà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ thả cá phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN