Theo đó, thời gian tới, UBND tỉnh Long An chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra các nhà máy hoạt động dọc hai bên sông (thuộc địa phận Long An). Tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xả nước thải vượt quy chuẩn quy định ra môi trường.
Long An xem xét dừng hoặc hạn chế tiếp nhận đầu tư đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề phát sinh nhiều nước thải hoặc nước thải có tính chất ô nhiễm cao xả thải ra sông Bến Lức. Các đơn vị, địa phương liên quan phối hợp theo dõi thường xuyên chất lượng mặt nước trên sông Bến Lức và kịp thời đề xuất giải pháp kiểm soát tình trạng ô nhiễm nguồn nước...; phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, giám sát ô nhiễm và thực hiện giải pháp giảm thiểu ô nhiễm...
Sông Bến Lức chảy qua địa bàn Long An và TP Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận TP Hồ Chí Minh còn gọi là sông Chợ Đệm), là tuyến đường thủy quan trọng kết nối giữa hai địa phương này và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực. Đây là nơi tiếp nhận nước thải sản xuất của hàng trăm nhà máy và nước thải sinh hoạt của nhiều hộ gia đình sinh sống dọc hai bên sông, do đó tình hình ô nhiễm ngày càng tăng cao.
Theo kết quả lấy mẫu giám sát chất lượng nước của Sở Tài nguyên và Môi trường Long An năm 2020, đoạn sông từ Rạch Rích (huyện Bến Lức) đến khu vực ranh giới Long An - TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm ở mức cao bởi các chất hữu cơ, dinh dưỡng và kim loại. Người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo đảm môi trường sống cho người dân.