Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã sớm thực hiện khai báo y tế điện tử để tạo điều kiện cho người dân đến khám chữa bệnh cũng như khách đến làm việc từ tháng 3/2021.
Theo bác sỹ Võ Văn Thiện, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, thời gian đầu thực hiện gặp không ít khó khăn, bởi nhiều người dân và nhân viên y tế còn bỡ ngỡ với việc khai báo y tế điện tử, nhiều người bệnh khi đến bệnh viện ngại, không khai báo y tế điện tử vì cho rằng bị mất thời gian, bên cạnh đó một số bệnh nhân khác không có điện thoại thông minh nên không thể thực hiện khai báo. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Bệnh viện đã huy động toàn bộ nhân viên các phòng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khai báo y tế điện tử và quét mã QR và chịu trách nhiệm đối với khai báo của mình. Việc khai báo y tế điện tử rất hiệu quả trong phòng ngừa lây nhiễm và truy vết đối với những người tới bệnh viện trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.
Tại siêu thị Co.op Mart Kon Tum mỗi ngày đón trung bình khoảng 1.000 lượt khách đến mua sắm, siêu thị cũng thực hiện khai báo y tế và quét mã QR trên các ứng dụng di động từ tháng 5/2021 cho tất cả nhân viên và người tiêu dùng. Bà Trần Thị Thảo, Kế toán trưởng Siêu thị Co.op Mart Kon Tum chia sẻ, việc khai báo y tế điện tử và quét mã QR giúp xác định được thời điểm mà nhân viên và khách hàng tới siêu thị. Khi có sự cố xảy ra, lực lượng chức năng sẽ truy vết nhanh từ thông tin của người tới siêu thị. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất đối với việc khai báo y tế điện tử là không thể thực hiện với những người không sử dụng điện thoại thông minh hoặc không có nhiều kiến thức về công nghệ.
UBND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cũng thực hiện khai báo y tế điện tử, quét mã QR từ đầu tháng 7/2021 đối với cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và người dân đến làm việc tại trụ sở Ủy ban nhân dân huyện.
Giữa tháng 7/2021, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 2358/UBND-KGVX về việc đẩy mạnh triển khai quét mã QR phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, giao cho Sở Thông tin và Truyền thông làm “đầu mối”, khẩn trương có văn bản hướng dẫn chi tiết việc cài đặt ứng dụng Bluezone, ứng dụng khai báo y tế điện tử, quét mã QR để các các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện.
Ông Trần Văn Thu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum cho biết: Sở đã hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cài đặt các ứng dụng Bluezone, VietNam Health Declaration, Ncovi; khai báo y tế điện tử trên các ứng dụng; tạo mã, hướng dẫn sử dụng mã QR; hướng dẫn người dân xuất trình mã QR khi tới các cơ quan, đơn vị, nơi công cộng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn một số khó khăn, vướng mắc như việc đồng bộ dữ liệu khai báo y tế và phản hồi thông tin thỉnh thoảng còn chậm trễ. Hiện, Sở đang phối hợp với Trung tâm phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các đơn vị liên quan để khắc phục tình trạng trên.
* Chiều 23/7, UBND tỉnh An Giang tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để nghe báo cáo về tình hình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và tình hình phòng, chống dịch tại các địa bàn trong tỉnh.
Báo cáo nhanh tại cuộc họp, ông Phan Văn Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, tính đến 16 giờ, ngày 23/7, tỉnh có 202 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 158 trường hợp ghi nhận trong tỉnh, 44 trường hợp cách ly sau khi nhập cảnh; đến nay đã có 49 trường hợp khỏi bệnh, 2 trường hợp chuyển tuyến (Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh), 1 trường hợp tử vong; hiện đang điều trị 147 trường hợp.
Qua 9 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đa số người dân đã ý thức được sự nguy hiểm của dịch, tin tưởng vào chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Toàn tỉnh có 203 chợ truyền thống (trong đó có 1 chợ đầu mối) đang hoạt động bình thường. Hiện, có 113/203 chợ truyền thống (đạt 55,6% tổng số chợ toàn tỉnh) thực hiện phát phiếu cho người dân đi chợ nhằm đảm bảo khoảng cách trong công tác phòng, chống dịch. Nguồn hàng hóa phục vụ người dân phong phú, không xảy ra tình trạng khan hiếm, gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa…
Tỉnh cũng đã thành lập Tổ phản ứng nhanh, bộ phận giúp việc hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; thông báo đường dây nóng của tổ để tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp, gián tiếp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến tình hình sản xuất, thu hoạch tiêu thụ nông sản tại các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các địa phương nâng cao cảnh giác hơn nữa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đặc biệt, phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là “thời gian vàng”, do đó các địa phương cần tận dụng để tập trung sàng lọc, làm sạch địa bàn, “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng. Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài vào địa bàn (kể cả nguồn lây từ bên kia biên giới và từ các tỉnh, thành khác đến An Giang), chủ động rà soát, xác định các đối tượng có nguy cơ cao để phân loại, sàng lọc, hướng tới kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, sau thời gian toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn các các địa phương đã thực hiện rất nghiêm; tuy nhiên, vẫn còn một số nơi thực hiện không chặt chẽ, thiếu nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nhiều người dân ra đường với lý do không chính đáng; một số nơi còn hết sức lơ là, một số cửa hàng kinh doanh hàng hóa không thiết yếu vẫn mở cửa, các hàng, quán ăn uống vẫn còn mở cửa, người dân vẫn tụ tập hay đi tập thể dục ở nơi công cộng… đây là mối nguy cơ rất cao. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị các địa phương kịp thời chấn chỉnh và thành lập các tổ kiểm tra lưu động, trên cơ sở đó tiến hành xử phạt, để nêu gương. Nếu cán bộ, công chức, viên chức không tuân thủ thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài việc bị xử phạt hành chính, tỉnh sẽ xem xét xử lý nghiêm về mặt nhà nước, để làm gương và giáo dục chung.
Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất việc tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở tất cả các địa phương, việc kiểm tra thực hiện ngẫu nhiên và không thông báo trước, nếu phát hiện địa phương nào lơ là trong công tác phòng, chống dịch để xảy ra các ca lây nhiễm trong cộng đồng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, qua số liệu các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng cho thấy, hơn 80% số ca mắc bắt nguồn từ các lái xe đường dài, lái xe liên tỉnh. Do đó, Chủ tịch UBND yêu cầu các địa phương nhanh chóng sàng lọc tất cả các trường hợp là lái xe trên địa bàn và tiến hành xét nghiệm Realtime RT-PCR mẫu gộp (chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tự trả phí xét nghiệm) để sàng lọc, làm sạch địa bàn.
Song song đó, tại các chốt kiểm tra ở các “cửa ngõ” ra vào tỉnh, lực lượng làm nhiệm vụ phải chủ động, linh hoạt trong công tác kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện qua lại theo đúng quy định phòng, chống dịch, không để các xe vận chuyển hàng hóa ùn ứ, ách tắc giao thông; tạo điều kiện thuận lợi nhất để lái xe và hàng hóa được lưu thông một cách dễ dàng.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình lưu ý, các địa phương cần đảm bảo cơ sở vật chất tại các khu cách ly như bố trí, sắp xếp hợp lý các nhóm đang thực hiện cách ly, đảm bảo không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các khu cách ly. Đồng thời, các địa phương có phương án chuẩn bị thêm các khu cách ly mới, để tránh tình trạng quá tải...
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, bình ổn giá thị trường, không để ảnh hưởng, gây khó khăn cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội…