Chật vật tìm nguồn thức ăn
Đầu tháng 5, những cơn mưa đầu mùa đã phần nào "giải nhiệt" sau nhiều tháng khô hạn kéo dài từ đầu năm. Cơn "mưa vàng" đã giúp người dân giảm áp lực về nước tưới cho cây trồng. Tuy nắng nóng không còn gay gắt như trước nữa, nhưng người dân chăn nuôi gia súc ở các địa phương trong tỉnh Bình Phước vẫn khó khăn tìm nguồn thức ăn cho vật nuôi.
Gia đình ông Điểu Dũng ở thôn Thác Dài (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) nuôi 4 con bò trưởng thành. Trong thời gian ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài khiến mảnh đất trồng cỏ khô héo và không còn để đáp ứng thức ăn cho đàn bò.
Trước tình hình đó, từ tháng 2, gia đình ông Điểu Dũng phải mua rơm với giá 35.000đồng/bó để làm thức ăn cho đàn bò. Ông Điểu Dũng cho biết: "Nắng nóng kéo dài khiến mảnh đất trồng cỏ khô và chết hết. Còn cỏ ở các bờ suối, các bờ ruộng cũng chết khô vì nắng nóng liên tục từ đầu năm. Để có thức ăn cho đàn bò, gia đình tôi phải đi mua thức ăn là rơm lúa của những xe đi bán dạo ngoài đường để cho bò ăn".
Dù gia đình không thiếu hụt nguồn nước, nhưng thiếu thức ăn đã gây tốn kém cho gia đình hàng chục triệu đồng chỉ trong 4 tháng nắng hạn vừa qua. "Ở khu vực này thức ăn khan hiếm lắm khi vào mùa khô như thế này. Trong 4 tháng vừa qua, gia đình tôi đã tốn khoản chi phí 16 triệu đồng tiền mua rơm khô. Trong những ngày gần đây, trên địa bàn đã có vài trận mưa, nhưng cỏ vẫn chưa mọc nhiều, gia đình vẫn còn phải tiếp tục mua rơm để cung cấp thức ăn cho đàn bò", ông Dũng chia sẻ thêm.
Cũng trong huyện Bù Gia Mập, tại xã biên giới Bù Gia Mập có hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt; trong đó nhiều hộ thiếu thức ăn cho trâu, bò. Điển hình gia đình bà Thị Liêm ở thôn Bù Rên cũng phải tiết kiệm từng bó rơm, công cỏ cho đàn trâu 3 con ăn. Theo bà Thị Liêm, thức ăn của trâu trong ngày nắng hạn chủ yếu là rơm lúa mua từng bó. Ngoài rơm, gia đình cũng chăn thả tại các khe suối, bờ ao tại thôn để tiết kiệm chi phí.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn cho biết, địa phương thời gian qua đã ảnh hưởng nặng bởi hạn hán kéo dài từ đầu năm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị đóng chân trên địa bàn đã cấp miễn phí nước sinh hoạt, khoan công trình giếng nước công nghiệp tập trung cho người dân đỡ khó khăn. Người dân chăn nuôi chủ động tìm dự trữ, tìm kiếm cỏ ở các ao, bờ suối để cho trâu, bò ăn. Trong vài ngày qua, mưa đã xuất hiện vài trận giúp người dân không lo nước tưới, tuy nhiên nguồn thức ăn cho vật nuôi vẫn chưa được đảm bảo.
Ứng phó linh hoạt để vượt khó
Những hộ nuôi dê tại huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp cũng chật vật kiếm thức ăn trong mùa khô hạn. Thời gian gần đây, nuôi dê là một trong trong những mô hình nuôi tốn ít chi phí đầu tư, dễ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao bởi thức ăn chủ yếu là lá cây và cỏ. Tuy nhiên, trước thực trạng nguồn thức ăn khan hiếm vào mùa khô hạn, nhiều gia đình phải chọn giải pháp giảm đàn, huy động nguồn thức ăn từ các gia đình không nuôi gia súc…cho phù hợp với điều kiện, khả năng của mỗi hộ.
Như gia đình ông Ngô Đức Nhật ở ấp Hiệp Hoàn (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh) là một trong những hộ nuôi dê nhiều ở địa phương luôn duy trì ổn định đàn từ 100 đến 120 con. Tuy nhiên, do áp lực thiếu thức ăn nên từ đầu mùa khô đến nay, gia đình ông đã bán 5 đợt. Bây giờ, số con dê trong chuồng chỉ còn hơn 40 con. Theo ông Nhật, gia đình chỉ giữ ổn định đàn như hiện nay để đảm bảo đủ thức ăn cho đến mùa mưa. Sau khi có nguồn thức ăn dồi dào, gia đình ông sẽ mở rộng nuôi nhiều trở lại như trước.
Ông Nhật chia sẻ, mùa khô năm nay nguồn thức ăn khó khăn nên phải bán để giảm sống lượng. Với số lượng đàn lớn, nếu gia đình cứ mua bã mì với cám để cho ăn thay cỏ thì rất tốn kém. Trước hạn hán kéo dài, gia đình đã tính toán hợp lý cho từng giai đoạn nhằm đảm bảo được tính hiệu quả và lợi nhuận. Ngoài ra, năm nay dù thiếu thức ăn nhưng giá thu mua dê trên địa bàn vẫn ổn định nên người chăn nuôi cũng đỡ lo lắng hơn.
Còn chuồng dê 20 con của gia đình ông Triệu Văn Duy ở ấp Tân Phước (xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp) luôn trong tình trạng thiếu thức ăn trong mùa khô năm nay. Ngoài 0,2 ha đất trồng cỏ đã khô héo, hằng ngày vợ chồng ông Duy phải thay phiên nhau ra bờ suối, bàu nước, ruộng để cắt hoặc xin thêm cỏ, lá cây từ các hộ dân hàng xóm không nuôi gia súc để tiết kiệm chi phí. Dù nuôi với số lượng ít, nhưng từ đầu mùa khô đến nay gia đình ông Duy cũng đã chi gần 15 triệu đồng mua thêm bã mì và cám cho dê ăn.
Ông Triệu Văn Duy cho biết: "Mùa khô hạn năm nay người nuôi dê đều gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu thức ăn. Để có nguồn thức ăn cho dê, hai vợ chồng tranh thủ chạy khắp nơi kiếm cỏ, rồi mua thêm cám, bã mì nên vất vả lắm. Bây giờ cũng bắt đầu có mưa, nhưng cỏ, cây keo vẫn chưa ra chồi nhiều nên vẫn phụ thuộc vào cám, bã mía".
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến (huyện Bù Đốp) Hoàng Đức Cảnh, nhiều năm nay phong trào chăn nuôi dê trên bàn phát triển rất mạnh, đồng thời trở thành mô hình hỗ trợ giảm nghèo khá hiệu quả ở địa phương. Trước đây người nuôi dê chủ yếu dựa vào lá trụ tiêu sống. Dù là mùa khô nhưng cây tiêu được chăm sóc tốt nên lá cây của nọc tiêu cũng khá dồi dào thức ăn cho dê. Tuy nhiên, từ khi tiêu mất giá, diện tích giảm mạnh, nguồn thức ăn từ lá trụ sống ít nên vào mùa khô thiếu hụt.
"Trước đây, phần lớn người dân tận dụng lá cây trụ tiêu sống kết hợp nuôi dê khá là hiệu quả. Tuy nhiên, từ khi diện tích tiêu giảm mạnh thì nguồn thức ăn cho dê cũng trở nên khó khăn, nhất là vào mùa khô. Nói chung, vào mùa nắng nóng thế này hầu hết người chăn nuôi gia súc đều phải cân bằng đàn cho phù hợp với lượng thức ăn và điều kiện chăm sóc của gia đình. Đây là giải pháp hợp lý để ứng phó trong điều kiện thời tiết khô hạn nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, phát triển kinh tế bền vững", ông Hoàng Đức Cảnh chia sẻ.
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có hơn 53.000 con trâu, bò. Các hộ nuôi chủ yếu phân bố ở các địa phương như: Hớn Quản, Lộc Ninh, Chơn Thành, Bù Đốp, Bù Gia mập… Do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay, nhiều khu vực tại Bình Phước khan hiếm thức ăn, người dân cũng đã chủ động bằng nhiều giải pháp "cứu" vật nuôi để vượt qua khó khăn trong mùa hạn.