Phát huy thành tích đó, sau ngày 30/4/1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Trung đã nỗ lực phấn đấu xây dựng xã ngày càng phát triển.
Ký ức hào hùng
Nằm tiếp giáp với xã Đốc Binh Kiều thuộc huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mỹ Trung là căn cứ địa cách mạng từng nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc lực lượng cách mạng của Hậu cần, Quân khu 2 và Tỉnh đội tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) để lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Phong trào đấu tranh cách mạng vẫn phát triển bất chấp địa bàn xã thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, du kích xã Mỹ Trung phối hợp với bộ đội chủ lực cấp trên và độc lập tác chiến đã tiêu diệt nhiều đồn, bốt, buộc chúng không dám tái chiếm…
Một trong những trận chiến oanh liệt và thắng lợi vẻ vang là chiến thắng Ngã Sáu Bằng Lăng diễn ra từ ngày 11 - 14/3/1975. Đây là trận đánh khởi đầu chiến dịch Mùa khô đợt II-năm 1975 giữa lực lượng chủ lực Quân khu 8 kết hợp lực lượng địa phương và nhân dân huyện Cái Bè, đã đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn ngụy; đánh tiêu hao tiểu đoàn bảo an 453, loại khỏi vòng chiến đấu trên 540 tên… Chiến thắng này giúp mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Trung tiếp tục khắc phục khó khăn, xây dựng và phát triển kinh tế. Những hố bom của chiến trường năm xưa đã dần dần được thay thế bằng những ruộng lúa trĩu hạt, những mảnh vườn xanh tươi, những con đường phẳng phiu về tận xóm, ấp… như khẳng định Mỹ Trung ngày một khởi sắc.
Vượt khó để phát triển kinh tế
46 năm trôi qua - một chặng đường dài với nhiều khó khăn, gian khổ trong quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế địa phương đối với Mỹ Trung. Nét son hồng của truyền thống cách mạng được thể hiện qua những số liệu "đỏ": 195 người con anh dũng của xã Mỹ Trung đã gửi xương máu vào lòng đất mẹ, xã có 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 345 gia đình thương binh liệt sĩ, có công với nước.
Đây là động lực để các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong xã ngày càng nỗ lực, phấn đấu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống… Bộ mặt nông thôn của Mỹ Trung một thời khó khăn, gian khổ vì bom đạn chiến tranh đã đổi thay bằng những tuyến dân cư với những ngôi nhà tường kiên cố, khang trang, là nền tảng để xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới vào tháng 2/2018.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Mỹ Trung, từ hơn 60% diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị hoang hóa, sau năm 1975 được cải tạo đến nay không còn diện tích đất hoang; sản xuất nông nghiệp đạt 3 vụ/năm với sản lượng lương thực hằng năm không ngừng tăng về số lượng cũng như chất lượng. Đặc biệt, dấu ấn trong phong trào phát triển kinh tế của Mỹ Trung là thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phát huy được thế mạnh kinh tế nông nghiệp, với sản xuất lúa chất lượng cao cùng nguồn lực lao động tại chỗ để phát triển các loại hình kinh tế tổ hợp tác. Tại ấp Mỹ Hiệp và Mỹ Hòa (xã Mỹ Trung), mô hình cánh đồng lớn hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Đến nay, 100% các tuyến giao thông nông thôn liên ấp, liên xã được nhựa và bê tông hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thông và lưu thông hàng hóa nông sản của người dân trong và ngoài xã. Nét đổi mới lớn nhất là vấn đề điện thắp sáng và nước sạch cho người dân nông thôn với 100% hộ dân có điện sinh hoạt, 100% hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 100% hộ dân có phương tiện nghe nhìn. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 86%…
Ông Dương Minh Phúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Trung cho biết, Mỹ Trung sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới và xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao. Ủy ban nhân xã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh hai đầu mũi trọng tâm là trồng trọt và chăn nuôi; chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân ở nhiều lĩnh vực, tập trung cải tạo vườn tạp ở các ô đê bao khép kín, vận động người dân trồng các loại cây có chất lượng cao để tăng thu nhập…
Từ khu di tích chiến thắng Ngã Sáu Bằng Lăng, tôi bước ra bến phà Ngã Sáu, chuyến phà đưa khách qua sông xôn xao bởi tiếng nói cười trong trẻo của học sinh. Các em sẽ là thế hệ tương lai nối tiếp góp phần xây dựng Mỹ Trung ngày càng phát triển để xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha ông đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đất vùng căn cứ Ngã Sáu Bằng Lăng năm xưa.