Khi đất nước được giải phóng, đồng bào các dân tộc trong tỉnh lại cùng nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, địa phương và sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của bà con đã biến những vùng đất đầy “thương tích” trong chiến tranh trở thành những buôn làng khang trang và hiện đại.
Ngày một khang trang
Hòa chung với không khí hào hùng mừng Tết Độc lập 2/9 của nhân dân cả nước, những người con Ê đê tại buôn Dur 1, xã căn cứ cách mạng Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk lại kể cho nhau nghe những năm tháng kiên cường, bất khuất đi theo tiếng gọi của Đảng, xây dựng cơ sở cách mạng, đấu tranh vũ trang cho đến ngày toàn thắng.
Từ năm 7 tuổi, ông Y Dhun Hmôk (sinh năm 1955) đã đi theo bố mẹ cùng bà con buôn làng tham gia nuôi giấu cán bộ, cung cấp lương thực nuôi bộ đội, đấu tranh vũ trang giành độc lập dân tộc. Đến năm 14 tuổi, ông trở thành Bí thư Chi đoàn của buôn Dru 1, bắt đầu tham gia đấu tranh vũ trang và được hưởng niềm vui giải phóng khi chưa đầy 20 tuổi. Sau đó, ông lại cùng bà con buôn làng phát triển kinh tế, kiến thiết đất nước. Ông Y Dhun Hmôk, Bí thư Chi bộ buôn Dru 1, xã Dur Kmăl trở thành “Kho sử sống” của vùng căn cứ cách mạng.
“Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, buôn Dru 1, Dru 2, Kmăl đã trở thành hạt nhân của xã căn cứ cách mạng Dur Kmăl (trong chiến tranh gọi là vùng căn cứ H6). Trải qua nhiều hy sinh mất mát, có những thời điểm phải rời bỏ buôn làng vào rừng sống và chiến đấu cùng bộ đội, cuộc sống khó khăn thiếu thốn vẫn thà chết không đầu hàng. Quyết tâm đi theo Đảng làm cách mạng giải phóng dân tộc”, ông Y Dhun Hmôk cho biết.
Theo ông Y Dhun Hmôk, những năm sau giải phóng, tuy đời sống gặp nhiều khó khăn nhưng người dân hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từng bước phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Từ những năm 1990, đồng bào bắt đầu thay đổi phương thức canh tác, đưa máy cày vào thay sức lao động của trâu, bò làm tăng năng suất lao động, tạo ra sự chuyển biến trong đời sống. Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, phải ăn khoai, sắn thay cơm, đến nay bà con xã Dur Kmăl đã tự chủ lương thực, nhiều gia đình gạo chất đầy kho, xây được nhà đẹp, mua được xe ô tô sang.
Y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, đồng bào các dân tộc anh em từ Ê đê, M’Nông đến Tày, Nùng… không còn tự chữa bệnh tại nhà mà đều đến Trạm y tế để được thăm khám và điều trị, nhiều con em được theo học tại các trường cao đẳng, đại học, học viện… trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Thiềng, Bí thư Đảng ủy xã Dur Kmăl cho biết, năm 2000, Dur Kmăl được công nhận là xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đồng bào các dân tộc trong xã đã có nhiều hoạt động thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và địa phương phát động. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đến nay, toàn xã có gần 60% số hộ gia đình có nhà kiên cố, gần 100% số hộ có xe gắn máy. Số hộ nghèo giảm còn dưới 10%; hộ cận nghèo còn dưới 15%; số hộ khá, giàu ngày càng tăng.
Cũng giống như xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana), xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk với truyền thống cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến, là những căn cứ địa vững chắc của thế trận lòng dân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1994, ngày nay cũng đang “thay da đổi thịt” trên con đường phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Ông Y’Kha Mlô, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng cho biết, từ những năm 1940, đồng bào Ê đê, Jrai ở Cư Pơng đã giác ngộ cách mạng, tổ chức nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, vũ khí cho bộ đội. Sau khi non sông thu về một mối, nhân dân các dân tộc anh em cùng Đảng ủy và chính quyền địa phương chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Theo ông Y’Kha Mlô, ngày nay nhân dân các dân tộc anh em xã Cư Pơng đều biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất lao động. Những mảnh đất bazan màu mỡ của xã Cư Pơng đã được phủ xanh bằng rẫy hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, những ngôi nhà xây hiện đại và nhà dài truyền thống kiên cố dần thay thế cho nhà ván tạm bợ, hệ thống đường xá, trường học, trạm y tế được đầu tư bài bản cũng góp phần làm cho bộ mặt các thôn, buôn trở nên khang trang và hiện đại hơn.
Ông Y’Hloắt Êban, buôn Adrơng, một trong những nông dân điển hình tiên tiến của xã Cư Pơng chia sẻ: Những năm trước đây, bà con chỉ biết canh tác theo kiểu truyền thống, thuận theo tự nhiên. Đến nay, bà con được tham gia tập huấn nông nghiệp, tìm hiểu kỹ thuật canh tác qua báo đài để ứng dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhiều gia đình đã mua được xe ô tô phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh và đi lại.
Tập trung phát triển vùng đồng bào dân tộc
Tỉnh Đắk Lắk có tới 47 dân tộc sinh sống, với hơn 630.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, phân bổ đều khắp ở tất cả 184 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, có địa hình bị chia cắt nên đời sống gặp nhiều khó khăn, cần nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, việc đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Đắk Lắk.
Hàng nghìn tỷ đồng từ các chương trình, chính sách (như: Chương trình 135; Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg; Chính sách cho vay vốn theo Quyết định số 54, ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 1592 và Quyết định số 755, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ...) được đầu tư cho các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng làm thay đổi đời sống của người dân vùng nông thôn nói chung và vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng nói riêng. Từ đó giúp cho các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn xây dựng, sửa chữa nhiều công trình hạ tầng thiết yếu (văn hóa, giáo dục, y tế), cải thiện điều kiện sinh hoạt cũng như đảm bảo sức khoẻ cho người dân.
Theo đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh đã phát huy sự sáng tạo, ý chí, nguồn lực của người dân, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị của các xã, buôn thôn đặc biệt khó khăn. Chương trình đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tích cực hưởng ứng. Hiện nay, trên địa bàn các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn của tỉnh nói chung và vùng căn cứ cách mạng nói riêng, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể.
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền để nâng cao hiệu quả các chính sách ưu đãi, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng. Tỉnh ưu tiên đầu tư các lĩnh vực như, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hướng dẫn để đồng bào thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động; lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chuyển đổi mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính chất “cho không” sang chính sách tạo cơ hội cho đồng bào tự vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.