Từ đó, chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, nhất là bồi thường, giải phóng mặt bằng, trường hợp vượt thẩm quyền phải chủ động báo cáo, đề xuất hướng giải quyết với tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn, tỉnh khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để cấp có thẩm quyền phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021; kiểm tra, đôn đốc không để xảy ra tình trạng chậm giao kế hoạch vốn, tồn đọng vốn, tồn động hồ sơ giải quyết các thủ tục dự án đầu tư. Song song với đó, các chủ đầu tư chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý cụ thể, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.
Đối với các đơn vị chưa giải ngân, tỉnh yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch vốn được bố trí, hoặc điều chuyển vốn cho các dự án khác có nhu cầu. Tiếp đến, các đơn vị tỷ lệ giải ngân thấp đôn đốc các đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ, sớm hoàn thành lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng triển khi thi công.
Đối với đơn vị có tỷ lệ giải ngân tốt, đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết, tiếp tục theo dõi sát tiến độ dự án, rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa công trình nghiệm thu hoàn thành vào sử dụng, nhất là các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có quy mô lớn để phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả đầu tư.
Tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương, nhất là những đơn vị được giao vốn đầu tư công lớn, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đầu tư công và người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân của cơ quan, đơn vị.
Tỉnh đề nghị các huyện, thành phố có dự án vướng giải phóng mặt bằng tập trung tích cực hỗ trợ chủ đầu tư dự án trong việc phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, vận động người dân thực hiện di dời để triển khai thực hiện dự án, không để khiếu kiện, khiếu nại kéo dài và ảnh hưởng dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, tỉnh đã giao gần 4.664 tỷ đồng cho các sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện, đạt 89,7% so với nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao vốn đầu tư công năm 2021.
Đến 15/6, tỉnh ước thực hiện giá trị khối lượng hoàn thành hơn 928 tỷ đồng, đạt 19,9% và giá trị giải ngân hơn 793 tỷ đồng đạt 17% vốn giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 3,85%. Dự kiến đến ngày 30/6/2021, ước giá trị giải ngân này hơn 1.546 tỷ đồng, đạt trên 33% vốn giao, không đạt kế hoạch dự kiến của tỉnh hết quý II/2021 giải ngân trên 50% kế hoạch vốn bố trí.
Theo đó, đến trung tuần tháng 6/2021, tỉnh có 240 dự án, công trình do các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện, thành phố quản lý tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn giao, một số chủ đầu tư chưa triển khai và hoàn thành lựa chọn nhà thầu đối với các công trình mới năm 2021.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang Nguyễn Thống Nhất chỉ ra nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công ở mức thấp do những tháng đầu năm giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, đặc biệt giá thép xây dựng tăng 30 - 40% dẫn đến các nhà thầu thi công xây dựng chậm triển khai thực nhiện các gói thầu trúng thầu.
Ngoài ra, một số đơn vị, chủ đầu tư chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thiếu chủ động giải quyết các vấn đề đầu tư công trong thẩm quyền, chưa xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án, công trình để theo dõi, quản lý. Đặc biệt, khó khăn, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng đã được tập trung tháo gỡ nhưng tiến độ còn chậm, một số dự án phải họp xử lý nhiều lần, dây dưa kéo dài.
Bên cạnh đó, một số công trình thi công trên mặt bằng có địa hình, địa chất phức tạp hoặc thiết kế đặc thù phải xử lý kỹ thuật nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kéo dài. Một số đơn vị thi công thiếu kinh nghiệm, năng lực thiết bị, tài chính và nhân lực không đúng với hồ sơ trúng thầu; tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế, thiếu tinh thần trách nhiệm nên quá trình thi công phải xử lý phát sinh, làm chậm tiến độ thực hiện.