Đến Lâm Đồng hôm nay, những cung đường thênh thang trải nhựa thẳng tắp nối các buôn làng đã thay thế cho những con đường đất đỏ, sình lầy bao quanh đồi cao, rừng rậm xưa kia. Đời sống đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa cũng đổi thay rõ rệt.
Số hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2023 là 3.912 hộ, chiếm tỷ lệ 1,09% (trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số cũng giảm còn 3,24%). 109/111 xã trên địa bàn cũng đạt chuẩn nông thôn mới.
Thành quả này có được là nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cùng với việc lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách, chương trình liên quan đến công cuộc giảm nghèo đa chiều bền vững, trong đó nổi bật là Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị).
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng, việc triển khai Chỉ thị số 40 của Đảng đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Thông qua việc thực hiện Chỉ thị, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng điểm của tỉnh về phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc; toàn bộ ban ngành, đoàn thể và Nhân dân đồng lòng, hưởng ứng. Việc đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội sâu rộng trong đời sống và tập trung các nguồn lực tài chính về một đầu mối quản lý, sử dụng đúng quy định hiện hành... đã thành nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong triển khai công tác hàng năm và của cả giai đoạn, để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, cho biết: Việc triển khai Chỉ thị số 40 đã giúp hoạt động tín dụng chính sách trên vùng đất Nam Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực. Tiêu biểu nhất là đã nâng cao năng lực, hoạt động của NHCSXH tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các hộ nghèo, các hộ dân tộc thiểu số khó khăn, giúp người dân thay đổi nhận thức về cách thức sử dụng đồng vốn ưu đãi của Nhà nước, áp dụng vào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao cuộc sống.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Lâm Đồng đến thời điểm 30/6/2024 đạt 5.987 tỷ đồng, tăng 3.819 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,1%, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương 624 tỷ đồng, tăng gấp 11,8 lần so với 10 năm trước, chiếm tỷ trọng 10,42% trong tổng nguồn vốn.
Có được sự tăng nhanh, đạt cao về nguồn vốn ngân sách địa phương trong công tác tập trung, huy động nguồn lực lớn kể trên, là nhờ các cấp ủy, chính quyền ở Lâm Đồng đã quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung Chỉ thị số 40 và chỉ đạo sâu sát việc tập trung mọi nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước chuyển sang, để NHCSXH cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách đặc thù được vay thêm vốn, chủ động kịp thời vụ sản xuất, kinh doanh.
Toàn bộ nguồn vốn gần 6.000 tỷ đồng được cấp từ Trung ương, với các nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, với số tiền huy động từ tổ chức, cá nhân trên thị trường và tiền gửi của tổ viên thông qua hệ thống 2.466 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 1.376 thôn, tổ dân phố, đã được những cán bộ tín dụng chính sách thuộc 12 huyện, thành phố trực thuộc chuyển tải nhanh chóng, an toàn đến 142 Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, phường, thị trấn để cho vay trực tiếp, đúng từng hộ nghèo, từng đối tượng được thụ hưởng.
Những năm qua, ngay những lúc gặp thiên tai, dịch bệnh, dòng vốn tín dụng chính sách vẫn được khơi thông chảy về các buôn làng cao nguyên Lâm Đồng. Từ nông thôn đến thành thị, từ vùng sâu đến vùng cao, người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện, đều được tiếp cận với đồng vốn chính sách thuận lợi, kịp thời.
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Khánh, ngụ thôn Phú Trung, xã Phú Hội, nhờ vốn chính sách đã “đổi đời". Ông Khánh đã sử dụng 100 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Đức Trọng để phát triển đàn bò đàn bò 6 con, cùng rẫy cà phê 1,5 ha xanh tốt, hàng năm thu lời hàng trăm triệu đồng.
Còn ở huyện Đam Rông, nhiều bà con người Kinh, người K’Ho, đã mạnh dạn vay vốn để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nhờ đó thoát nghèo khó. Đó là gia đình chị Đinh Thị Hóa, ở xã Đạ R’Sal, với mô hình trồng dâu nuôi tằm; hay mô hình nuôi cá tầm của chị Nguyễn Phương Bắc, xã Rô Men... đã góp phần nâng cao cuộc sống, có nhà cao cửa rộng, lại mua sắm được trang thiết bị để phục vụ sản xuất như máy làm cỏ, cày đất, xe bán tải chở vật tư.
Những nỗ lực của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng cùng hệ thống chính trị đã góp phần giảm nghèo đa chiều bền vững. Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 23.778 hộ thoát nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho 40.153 lao động, tạo điều kiện cho trên 12.201 lượt học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng trên 207.378 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn, góp phần cải tạo môi trường sống; 1.831 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để làm nhà mới vững chắc, khang trang.
Nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã và đang là công cụ hữu hiệu trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Nam Tây Nguyên.
Phát huy thành tích, những cán bộ tín dụng chính sách tỉnh Lâm Đồng không bằng lòng về thành tích đạt được, vẫn tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn đến đúng các địa chỉ, đối tượng thụ hưởng, góp phần đắc lực cho công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.