Tín dụng chính sách góp phần đổi thay quê hương Quỳnh Lưu

Đảng bộ, chính quyền huyện Quỳnh Lưu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các mặt, trong đó chú trọng quan tâm đầu tư, thực hiện các chương trình, đề án điểm, qua đó góp phần thay đổi diện mạo miền quê nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Nghệ An.

Chú thích ảnh
 Điểm giao dịch xã của NHCSXH Quỳnh Lưu.

Quỳnh Lưu, vùng đất giàu truyền thống khoa bảng, hiếu học, được ví như hình ảnh “tỉnh Nghệ An thu nhỏ”, bởi có sự đa dạng về địa hình, điều kiện tự nhiên, có đồi núi, biển cả, đồng bằng rộng lớn, có dân cư đông đúc, nhiều dân tộc anh em cùng nhau chung sống...

Trong những năm qua, với quyết tâm chính trị, Đảng bộ, chính quyền huyện Quỳnh Lưu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các mặt, trong đó chú trọng quan tâm đầu tư, thực hiện các chương trình, đề án điểm như: Phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…. qua đó góp phần thay đổi diện mạo miền quê nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Nghệ An.

Theo Bí thư huyện ủy Quỳnh Lưu, ông Hoàng Danh Lai, những năm 2010 trở về trước, Quỳnh Lưu là huyện thuần nông, kết cấu hạ tầng, giao thông chậm phát triển, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cao tới 15,3%; đời sống nhân dân khó khăn, thiếu thốn.

Vào thời điểm đó, các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới được ban hành. Đảng bộ, chính quyền huyện nắm bắt lấy thời cơ, tập trung huy động mọi nguồn lực, thuyết phục các tầng lớp đảng viên, nhân dân thay đổi tư duy, cùng nỗ lực thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phong trào phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ đó được các cấp, các ngành chung sức, đồng lòng thực hiện, trong đó đáng kể đến sự đóng góp quan trọng, thiết thực của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Giám đốc NHCSXH huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Quý Thái, đã 22 năm trực tiếp tham gia công tác ngân hàng, hồ hởi cho biết: Với định hướng hoạt động từ khi thành lập (2003) đến nay là thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đơn vị luôn bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; nhận được sự quan tâm chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của lãnh đạo địa phương, cùng với tinh thần nỗ lực vượt khó khăn, thử thách của đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách ... nhờ đó, đơn vị đã triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp, huy động được nguồn vốn lớn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, nhiều hình thức và khơi thông được dòng chảy vốn ưu đãi, góp phần thiết thực giúp dân giảm nghèo, nâng cao cuộc sống.

Chú thích ảnh
Giám đốc cũng cán bộ tín dụng NHCSXH Quỳnh Lưu thăm, kiểm tra hộ vay vốn hiệu quả ở các xã.

Sau những tháng ngày bền bỉ, tận tâm trong hành trình mang nguồn vốn tới cho người dân của những cán bộ tín dụng chính sách, “trái ngọt” đã đậu trên vùng đất Quỳnh Lưu, với tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện chỉ còn 2,12% và có 32/32 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới.

“Tiếng lành” về hiệu quả của đồng vốn tín dụng chính sách ở Quỳnh Lưu cũng đang “vang xa”. Minh chứng sinh động tại xã Quỳnh Minh, nhờ đồng vốn vay từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm, các hộ nghèo đã chủ động đầu tư nhà màng phủ, nhà lưới che, thâm canh trồng rau sạch, dưa xanh, thu nhập bình quân đầu người tăng dần từ 49,5 triệu đồng (năm 2022) lên 54 triệu đồng (cuối năm 2023). Dự kiến hết năm nay sẽ đạt 58-60 triệu đồng. Đời sống người dân đã ấm no, tươi sáng hẳn lên. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 1,07%.

Hay như ở thôn 2 của xã Ngọc Sơn,  hộ gia đình ông Đào Đức Bang đã sử dụng 100 triệu đồng vay vốn chính sách để xây dựng cơ sở chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp, với đàn bò sinh sản 8 con, đàn dê thịt 25 con và vườn cây ăn quả cam, bưởi, táo, lê 2 ha, mỗi năm thu lợi 150 triệu đồng... thoát khỏi danh sách hộ nghèo, đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.

Trên quê hương giàu truyền thống hiếu học Quỳnh Lưu ngày nay, hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, có đủ điều kiện, đều được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước một cách thuận lợi nhất, kịp thời vào vụ sản xuất kinh doanh. Điều này chứng tỏ NHCSXH huyện Quỳnh Lưu trong suốt nhiều năm qua đã huy động nguồn lực tài chính lớn, chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn về khắp làng quê, đến đúng từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.

Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách ở huyện Quỳnh Lưu đạt xấp xỉ 850 tỷ đồng, tăng 393 tỷ đồng so với năm 2014. Kết quả trên đạt được khẳng định sự nỗ lực của NHCSXH huyện Quỳnh Lưu trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp huy động được nguồn vốn lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống của đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo.

Kết quả trên cũng là minh chứng cho việc cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của địa phương đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, thông qua công tác chỉ đạo quyết liệt việc chuyển giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối là NHCSXH để sử dụng, quản lý theo quy định, đồng thời cân đối bổ sung ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để tăng thêm nguồn lực cho vay các đối tượng chính sách đặc thù tại địa bàn.

Toàn bộ nguồn vốn do Trung ương cấp, trong đó có 15,1 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương chuyển sang đã được những cán bộ tín dụng chính sách huyện Quỳnh Lưu hối hả chuyển về đúng từng địa chỉ, từng đối tượng thụ hưởng thông qua 33 Điểm giao dịch xã với 482 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở khắp thôn xóm, cụm dân cư, giúp người dân có vốn chủ động xuống đồng, lên đồi vào vụ sản xuất, tạo nguồn thu.

Song hành với công tác huy động nguồn lực, chuyển tải nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng, thực hiện phương thức quản lý tín dụng đặc thù, phù hợp với thực tế địa phương. Đó là việc cùng các tổ chức hội đoàn thể; Hội Nông dân,  Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên ký kết lại hợp đồng ủy thác vay vốn chính sách, tạo thành dây chuyền 4 nhà “ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, Tổ TK&VV”, chung tay góp sức giúp dân vay vốn, sử dụng vốn chính sách đầu tư hiệu quả trong phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, mở mang ngành nghề truyền thống.

Trên chặng đường 22 năm ròng rã hoạt động theo Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm liền triển khai thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH huyện Quỳnh Lưu đã trọn vẹn với chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên quê hương giàu truyền thống khoa bảng, hiếu học. Dòng vốn ưu đãi luôn được khơi thông, chảy đều đặn đến mọi nơi, trong mọi lúc, giúp dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tạo thêm lực đẩy quê hương dần trở thành vùng kinh tế tổng hợp, trọng điểm phía bắc tỉnh Nghệ An.

Thời gian tới, NHCSXH huyện Quỳnh Lưu tiếp tục thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải nhanh chóng các nguồn vốn đến đúng các địa chỉ, các đối tượng thụ hưởng, góp phần đầu tư đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên quê hương mến yêu!

 

Minh Uyên
Chỉ thị số 40-CT/TW: Bước đột phá trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội
Chỉ thị số 40-CT/TW: Bước đột phá trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Sau gần 10 năm thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã thúc đẩy mạnh mẽ tư duy và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh Nghệ An; qua đó đáp ứng nhu cầu vay vốn của gần 730.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN