Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh thay đổi được tư duy sản xuất, sản xuất theo phương thức an toàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng…
Gia đình anh Hoàng Văn Sơn, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ có 10 năm sản xuất các loại rau ăn lá theo phương pháp truyền thống. Tháng 10/2020, gia đình anh được hỗ trợ từ phía Công ty TNHH Một thành viên 4k Fram (thuộc Công ty cổ phần Thế giới di động) xây dựng hệ thống 3 nhà màng trên diện tích 3.200 m2 để trồng các loại rau ăn lá. Bên trong nhà màng với hệ thống tưới phun sương hoàn toàn tự động, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm… Đặc biệt, sản phẩm rau ăn lá sau khi trồng sẽ được phía công ty thu mua hết, với giá cả ổn định cả năm mà không phải lo lắng về đầu ra và giá cả.
Anh Sơn cho biết, trong thời gian 10 năm theo nghề trồng rau ăn lá, cứ thấy vườn rau có sâu là anh chỉ biết mang bình ra phun mà không cần tìm hiểu thuốc diệt sâu ấy có độc hại đối với bản thân anh và người tiêu dùng như thế nào. Cùng với đó, nỗi lo về đầu ra và giá cả, điệp khúc “được mùa, mất giá và được giá, mất mùa” cứ luẩn quẩn đeo bám cuộc sống của anh Sơn và nhiều người nông dân khác.
Khi áp dụng trồng rau theo công nghệ cao với sự liên kết chặt chẽ với Công ty TNHH Một thành viên 4k Fram, anh Sơn được ký kết hợp đồng và phải tuyệt đối tuân thủ sản xuất theo đúng quy trình mà phía công ty đưa ra. Đó là, sản phẩm không thuốc trừ sâu; không chất kích thích tăng trưởng; không chất bảo quản và không giống biến đổi gen.
Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất sẽ có đội ngũ kỹ sư của công ty giám sát, ghi nhật ký nghiêm ngặt và kỹ càng hằng ngày. Trước khi sản phẩm được xuất bán phía công ty cũng sẽ lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, lần 1 trước 7 ngày khi rau được thu hoạch và lần 2 vào ngày rau được thu hoạch. Nếu sản phẩm vi phạm 4 yêu cầu kể trên sẽ không được thu mua và hủy toàn bộ số sản phẩm vi phạm.
Anh Sơn chia sẻ, lúc đầu chuyển từ phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất công nghệ cao, với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng của phía công ty, anh đã rất lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Hiện giờ, trồng rau để hạn chế thấp nhất sâu hại tấn công ngoài việc đã được trồng trong nhà màng, anh Sơn phải chú trọng đến khâu xử lý đất trước khi trồng, nếu vườn có sâu, đêm đến anh phải lấy đèn vào vườn soi để bắt sâu bằng tay hoặc vợt.
Tuy nhiên, với hệ thống tưới tự động, cơ giới hóa trong sản xuất, cùng với hệ thống nhà màng nên anh đã giảm được rất nhiều nhân công trong sản xuất rau cũng như chi phí cho mỗi lứa rau so với trước đây. Sau 2 tháng, với 2 lứa rau anh đã dần làm quen được với phương thức sản xuất mới. Nhờ phương thức sản xuất với yêu cầu nghiêm ngặt, anh Sơn nhận ra việc sản xuất theo công nghệ cao không những có lợi cho sức khỏe của anh, thu nhập của gia đình anh mà còn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Hiện nay, sau 2 lứa rau đầu tiên ứng dụng công nghệ cao, mặc dù năng suất chưa đạt (mỗi lứa thu 5,5 tấn rau) nhưng sau khi trừ chi phí gia đình anh đã thu về khoảng 30 triệu đồng/lứa/tháng. Đầu ra, giá cả và đặc biệt không phải lo về thời tiết làm hư hỏng rau, nên anh Sơn rất yên tâm sản xuất.
Con anh Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền thì mới bắt tay vào việc nuôi tôm gần 2 năm nay, thế nhưng ngay từ lúc đầu, anh đã quyết định chọn mô hình nuôi tôm công nghệ cao để đầu tư, trên diện tích 7ha; trong đó, có 1,5ha ao nuôi chính, diện tích còn lại là ao lắng, lọc và xử lý nước thải. Đây là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn nước trong nhà màng (gọi tắt là RAS).
Với mô hình này, diện tích ao nuôi chính ít hơn ao lắng lọc, với mục đích tiết kiệm tối đa, nước trong các ao nuôi sau khi sử dụng có thể tuần hoàn, xử lý vào tái sử dụng vào việc nuôi tôm. Lượng nước thải ra ngoài môi trường kéo theo các tạp chất trong quá trình nuôi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước hầu như rất ít.
Với công nghệ này, nước được đưa vào các ao xả, xử lý hóa chất, chảy qua các hàng lưới, lắng từ từ để loại các chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng, sau đó được xử lý diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào các ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi được tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc. Sau khi đạt đủ điều kiện, nguồn nước này được đưa trở lại ao nuôi tái sử dụng. Vì chất lượng nguồn nước, các thông số kỹ thuật như độ mặn, tỷ lệ oxy trong nước được kiểm soát nên công nghệ nuôi này giúp tôm có tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng bảo đảm và không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải.
Anh Vương cho biết, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sẽ sản xuất được 3 vụ mỗi năm, cao gần gấp đôi so với phương pháp nuôi thông thường, tỷ lệ tôm nuôi hao hụt cũng giảm nhiều so với nuôi truyền thống. Sau hơn 1 năm, hiện, anh Vương đã nuôi được gần 7 lứa, với khoảng 60 tấn/lứa. Giá bán trung bình từ 130-160.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi ha anh Vương lời từ 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/ha/lứa.
Anh Vương chia sẻ, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giúp quá trình nuôi tôm an toàn và giảm rủi ro từ khâu xử lý nước, thức ăn, giúp tiết kiệm nước. Vì thế lợi nhuận chắc chắn tăng lên và năng suất cao hơn nuôi truyền thống. Hơn nữa, môi trường nước là yếu tố then chốt, quan trọng sau khâu con giống trong nuôi tôm.
Chính vì vậy, nuôi tôm công nghệ cao rất cần nhiều hệ thống ao lắng lọc, trong quá trình lắng lọc người nuôi cũng cần chú ý xử lý kỹ trước khi đưa vào ao nuôi. Với mô hình nuôi này vừa mang lại lợi nhuận cao, vừa bảo vệ môi trường nuôi và môi trường xung quanh vùng nuôi vì hạn chế tối đa việc thải nước thải nuôi ra môi trường.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh giờ đã không còn xa lạ với người nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ những trang trại chăn nuôi lợn, gà trong phòng lạnh; trồng rau không đất, trang trại tự động; thương mại điện tử; lợn, gà nghe nhạc… là những thành công bước đầu của nông dân thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa.