Nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình đã và đang được triển khai nhân rộng, mang lại hiệu quả thiết thực như mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, ứng dụng công nghệ thâm canh, sản xuất an toàn theo VietGAP, ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng bảo vệ sản phẩm, ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh, ứng dụng công nghệ máy móc, thiết bị cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều địa phương, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chỉ mới phát triển bước đầu, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững. Quy mô sản xuất còn nhỏ, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa mạnh, nhất là chưa có nhiều doanh nghiệp lớn có thương hiệu, tiềm lực kinh tế, công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp làm động lực, đầu tàu cho phát triển.
Tập trung vào đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Ninh Thuận, ông Lê Văn Quê, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư S.6 cho biết, công ty chuyên sản xuất giống thủy sản nước lợ, nước mặn, đặc biệt là tôm giống. Thời gian qua, công ty đã đầu tư và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất giống thủy sản, mang lại chất lượng tôm giống sạch, không mầm bệnh với sản lượng từ 2-3 tỷ con tôm giống mỗi năm.
Trước nhu cầu thị trường cũng như xu thế cạnh tranh như hiện nay, đòi hỏi công ty phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chủ động liên doanh, liên kết; đồng thời đa dạng đối tượng nuôi… Tuy nhiên, để làm được như vậy cần phải có mặt bằng để mở rộng đầu tư sản xuất, trong khi đây đang lại là vấn đề rất khó đối với công ty. Do đó, công ty rất cần UBND tỉnh và ngành nông nghiệp quan tâm giải quyết, ông Lê Văn Quê chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty cơ khí Tiên Tiến - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết, doanh nghiệp rất tha thiết đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và mong muốn các cơ quan hữu quan của tỉnh và Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp đầu tư.
Chẳng hạn như trang trại nông nghiệp Tiên Tiến, vừa qua doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hữu cơ gắn kết hợp với đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái nhà vừa phục vụ cho sản suất nông nghiệp, vừa góp phần tạo thêm thu nhập cho doanh nghiệp từ việc bán điện.
Tuy nhiên, cái khó mà doanh nghiệp đang gặp phải đó là chưa ký được hợp đồng bán điện với ngành điện lực, trong khi dự án đã được đầu tư nhưng để đó. Nguyên do đến giờ doanh nghiệp vẫn chưa rõ, vì vậy khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ.
Ông Trần Đức Minh, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT công ty dược liệu ứng dụng công nghệ cao Trisco Group cũng cho biết, trong quá trình ứng dụng công nghệ cao để nuôi trồng nguồn dược liệu đạt chuẩn GAP, doanh nghiệp đặt tại Thanh Hóa này cũng vướng phải không ít khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp này mất rất nhiều thời gian để tiếp cận được quỹ đất và mất nhiều nhân công để cải tạo đất. Thậm chí, với kỹ thuật canh tác cũ, lạm dụng phân bón hóa học nhiều năm khiến đất bạc màu. Trong khi vốn đầu tư lớn thì tỷ lệ rủi ro trong quá trình sản xuất lại không hề nhỏ do quy hoạch đất đai cho sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thời gian thuê đất sử dụng còn ngắn hạn.
Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ được xem là "thang thuốc" hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là một xu hướng ngắn hạn mà là 1 hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.
Để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, theo ông Vũ Tiến Lộc, thời gian tới, cần sự quan tâm tiếp tục của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện các chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam Hà Văn Thắng đề xuất: "Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp cần nhất là khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo, cho các thiết chế những cái mới... Khi chúng tôi làm các dự án vẫn bị chi phối bởi các điều luật cũ (ví dụ như quy định đánh giá tác động môi trường mặc dù giải pháp đã được thực tế thừa nhận) tạo ra những rào cản vô hình".
Đóng góp sáng kiến cho phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định, cho rằng: Hệ sinh thái này bao gồm rất nhiều thành phần tham gia từ hộ gia đình đến hợp tác xã, doanh nghiệp, các tập đoàn... Để phát triển liên kết nông nghiệp phát triển bền vững thì vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là quan trọng nhất trong "4 nhà" hay "6 nhà".
Cùng đó, tiếp tục thay đổi tư duy, không phải sản xuất quy mô lớn hay nhỏ, mà phải phù hợp với điều kiện của địa phương và người sản xuất, người đầu tư. Từ đó mới có thể nghiên cứu được chính sách. Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao cần được định danh một cách cụ thể, có tiêu chuẩn phù hợp với địa phương, với người nông dân thì mới có thể xây dựng được chính sách phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, các công nghệ cao về nông nghiệp của nước ngoài khi áp dụng tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phù hợp với môi trường, khí hậu, chưa phát huy được hết hiệu quả. Do đó, cần xem xét nghiên cứu công nghệ, vật liệu phục vụ công nghệ cao nội địa.
Liên quan tới việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngành nông nghiệp, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó phòng Phát triển Giải pháp tài chính, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Viettinbank) cho biết, hiện nay, các giải pháp tài chính tăng cường cho vay theo chuỗi liên kết trong sản xuất - kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với mắt xích chính là doanh nghiệp và cho vay trọn đời dự án,… chưa đồng bộ.
Từ đó, đại diện phía ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan có chính sách về dự trữ bắt buộc để các ngân hàng thương mại cho vay sản xuất nông nghiệp và xóa nợ đối với các khoản vay không có khả năng thu hồi đối với các rủi ro liên quan. Song song với đó, hỗ trợ phí bảo lãnh cho các nhà đầu tư nông nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích về giá để các hộ kinh doanh có lợi thế hơn về giá…
Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, GS. TS. Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Căn cứ vào thực tế có thể thấy đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp đang là yêu cầu cấp bách. Trong tương lai, trong nghiên cứu cũng như đào tạo cần phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực công nghệ cao chủ chốt với việc phát huy các kiến thức, kinh nghiệm truyền thống trong nông nghiệp. Từ đó, xây dựng cơ chế đặt hàng đạo tạo, đào tạo lại nhân lực công nghệ nông nghiệp từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau.