Theo đó, các khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư trong tỉnh không được phép nuôi chim yến, bao gồm: Khu vực các phường của thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường; khu vực thị trấn thuộc các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Hưng; khu, cụm, tuyến dân cư hiện hữu hoặc có chủ trương đầu tư của cấp thẩm quyền phê duyệt.
Những vùng không thuộc khu vực nêu trên được phép nuôi chim yến. Tuy nhiên, phải đảm bảo nhà nuôi yến có khoảng cách tối thiểu 300 m tính từ ranh giới hành chính của khu vực không được phép nuôi.
Đối với các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi đã xây dựng và hoạt động trong khu vực nội thành trước khi có quy định trên, đến năm 2025 phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Những cơ sở chăn nuôi được xây dựng trong khu vực được phép phải tiến hành hoàn thiện điều kiện chăn nuôi đáp ứng theo quy định của pháp luật.
Theo UBND tỉnh Long An, thời gian qua, trên địa bàn có nhiều cơ sở nuôi yến được hình thành tự phát, đa số nằm trong địa bàn khu dân cư. Trong đó, có trên 70% số cơ sở xây mới, 30% số cơ sở thay đổi thiết kế từ nhà ở. Việc nuôi chim yến tự phát đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân, làm mất mỹ quan đô thị. Công tác phòng, chống dịch bệnh không được người chăn nuôi nhỏ lẻ chú ý đầu tư, dẫn đến nguy cơ mất an toàn về dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường.
Việc ban hành các quy định về vùng được phép nuôi chim yến nhằm góp phần đảm bảo sức khỏe người dân; từng bước di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, phù hợp với Luật Chăn nuôi và tình hình thực tế của địa phương.